Thiếu thông tin, xuất khẩu gặp khó

DUY KHANG 21/08/2022 09:05

Thông tin về thị trường xuất khẩu cần được cập nhật nhiều hơn, để từ đó các doanh nghiệp có thể lường trước được những thách thức, rào cản hoặc nắm bắt được những cơ hội để đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế một cách thuận lợi. Đó là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Doanh nghiệp thuỷ sản mong có được nhiều thông tin xuất khẩu để chủ động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Thông tin thị trường chưa nhiều như kỳ vọng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực đang diễn biến rất khó lường, mỗi quốc gia đều có những chiến lược mới với hậu Covid-19 để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… nhằm ứng phó với những bất ổn của nền kinh tế. Những thông tin về thị trường, với những chiến lược mới, quy định mới được các đối tác đưa ra cần phải được cập nhật để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể chủ động trước mọi tình huống, hoặc chớp lấy những cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Vai trò của các cơ quan thương vụ trong việc cung cấp thông tin về chiến lược, yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu là rất quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, thông tin từ thị trường xuất khẩu đến với họ chưa được như kỳ vọng.

Đề cao vai trò về thông tin thị trường xuất khẩu đổi với các DN, song theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đối với ngành rau quả hiện nay, thông tin thị trường từ các thương vụ còn chưa nhiều, chưa có cập nhật cụ thể về nhu cầu, rào cản hay thuận lợi ở từng quốc gia. Do đó, ông Nguyên mong muốn thông qua các chương trình giao ban trực tuyến với các thương vụ, các DN sẽ có thêm thông tin về thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường. Đồng thời, các cơ quan thương vụ cũng sẽ nắm được thông tin phản hồi chuẩn xác hơn, sớm hơn từ chính các DN.

Tương tự, đối với ngành dệt may, một trong những ngành nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu, những yêu cầu về các thông tin đến từ thị trường quốc tế đối với các DN dệt may cũng vô cùng quan trọng. Thời điểm này, ngành dệt may đang đối diện với khá nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến tình trạng suy giảm đơn hàng, giá nguyên vật liệu tăng cao... Bởi vậy, việc tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới là điều mà các DN ngành dệt may cần làm để duy trì việc sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD của năm 2022... Chính bởi vậy, việc cung cấp thông tin từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề giá cả, nhu cầu, thị hiếu tại thị trường quốc tế là rất hữu ích, rất cần thiết để DN trong nước có thể chủ động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean nêu quan điểm, các DN không thể thiếu các thông tin về thị trường mới, tiềm năng và những thách thức tại mỗi thị trường. “Thông tin từ các thương vụ sẽ giúp các DN định hình được thời điểm này thị trường nào đang tốt, ngành hàng nào dễ tiếp cận khai thác… để hoạch định phương án, chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn” - ông Việt nói.

Có thể thấy, trong tất cả các ngành, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, vai trò của các thương vụ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các DN. Chính bởi vậy, hoạt động giao ban của các thương vụ được tổ chức hàng tháng đã và đang góp phần giúp cộng đồng DN tìm kiếm thị trường mới, hay phòng tránh được những nguy cơ, rào cản, thách thức mà thị trường nhập khẩu hàng hóa đưa ra. Song, hầu hết các DN cho rằng, chức năng này của các thương vụ cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Nhiều DN sản xuất và xuất khẩu bày tỏ mong muốn, Bộ Công Thương cần tăng cường kết nối thông tin giữa DN với các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài thông qua các cuộc giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, từ đó có những chính sách hỗ trợ cần thiết, tư vấn thông tin, kết nối, giới thiệu hiệu quả hơn cho DN, nhất là với những đơn hàng đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn chất lượng tại những thị trường khó tính.

Chìa khóa thành công

Theo bà Nguyễn Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, trong bối cảnh thế giới luôn biến động không ngừng, thông tin kịp thời, nhanh và nhạy bén chính là chìa khóa thành công cho mỗi DN. Chính bởi vậy, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của công nghệ thông tin cũng tạo ra những động lực để giúp các DN có thể nắm bắt được thông tin một cách tốc độ hơn, kịp thời hơn.

Theo bà Thúy, xác định tầm quan trọng của thông tin thị trường đối với các DN xuất khẩu của nước nhà, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển luôn nỗ lực để trở thành “ăng ten”, “cánh tay” nối dài của cộng đồng DN vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, bà Thúy cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin chung của các DN, thị trường, địa phương, hiệp hội cần được chú trọng nêu ra những vấn đề trọng yếu mà các DN quan tâm, như việc thay đổi chính sách của các nước sở tại có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi DN như thế nào; xu hướng tiêu dùng mới; cơ hội đầu tư, kinh doanh tại địa bàn, các cảnh báo, khuyến cáo… “Bộ Công Thương nên xem xét để có các cuộc họp giao ban theo chuyên đề về một khu vực thị trường, hoặc một mặt hàng xuất khẩu cụ thể. Các sự kiện này có thể mời thêm hiệp hội, DN các ngành nghề để trực tiếp lắng nghe kiến nghị, ý kiến của DN. Đồng thời, đây cũng là dịp các thương vụ có thể chia sẻ trực tiếp về các thay đổi chính sách của thị trường” - bà Thúy chia sẻ quan điểm.

Nhiều DN dệt may cũng cho biết, thời gian qua các tham tán, thương vụ cũng rất tâm huyết trong hỗ trợ DN. Điển hình như tham tán tại Mỹ thường xuyên có những bài đánh giá về thị trường dệt may cũng như các ngành khác và thông tin qua các hiệp hội để DN nắm bắt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới Bộ Công Thương nên vạch ra vai trò, nhiệm vụ của các tham tán thương mại một cách cụ thể hơn nữa, để thường xuyên cung cấp thông tin cho các ngành, lĩnh vực thông qua đầu mối là hiệp hội hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Đồng thời, khuyến cáo kịp thời những bất cập của các nước nhập khẩu để DN có thể chủ động hơn với kế hoạch kinh doanh của mình, tránh những thiệt hại không đáng có…

Để nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Với các hiệp hội, ngành hàng và DN, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật tình hình của DN, chủ động cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu thông tin, xuất khẩu gặp khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO