'Thỉnh vong' chữa bệnh là phản khoa học

Xuân Thuỷ 28/03/2019 08:00

Những ngày vừa qua, thông tin về “thỉnh vong” có thể chữa được nhiều loại bệnh tật từ nan y đến mãn tính như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng… đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng về phương pháp chữa bệnh này. Dưới góc độ y khoa, các chuyên gia y tế cho rằng “thỉnh vong” để chữa ung thư cũng như các loại bệnh khác là cách lừa gạt trắng trợn, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh. Và người dân cần hết sức tỉnh táo.

Thời gian gần đây, đã có không ít người có bệnh từ bỏ bệnh viện để về nhà và chữa bệnh bằng cách cúng bái với niềm tin bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng cúng bái có thể chữa khỏi bệnh. Niềm tin vào việc cúng bái có thể giúp người bệnh an tâm về mặt tinh thần, nhưng nếu quá mù quáng tin vào cúng bái để chữa bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ mất đi “cơ hội vàng” trong điều trị bệnh.

'Thỉnh vong' chữa bệnh là phản khoa học

Chủ động kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế là cách phòng bệnh tích cực.

Không thể mù quáng

Những ngày vừa qua, thông tin về “thỉnh vong” có thể chữa được nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng… đã khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng về phương pháp chữa bệnh này. Trước thông tin này, dưới góc độ y khoa, các chuyên gia y tế cho rằng “thỉnh vong” để chữa ung thư là cách lừa gạt trắng trợn, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

GS Nguyễn Bá Đức- Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng việc làm đó rất phản khoa học, hoàn toàn là mê tín dị đoan. Vì rằng chữa bệnh bằng bất cứ phương pháp nào không có cơ sở khoa học, nhất là đối với bệnh nan y hoàn toàn không chữa được bệnh, ngược lại còn có hại.

Việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua cơ hội vàng để được phát hiện và chữa trị bệnh sớm, càng để lâu, bệnh sẽ càng nặng lên dẫn đến khó cứu chữa kịp thời, dứt điểm. GS Đức chia sẻ, ông đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân khi phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu nhưng bỏ bệnh viện để đi chữa bệnh bằng cách cúng bái, thiền, ăn chay… Kết quả, một thời gian sau khi quay trở lại bệnh viện, bệnh đã trong tình trạng nặng, khối u lan toả di căn, mất đi cơ hội chữa bệnh.

Với 20 năm điều trị ung thư cho người bệnh, PGS.TS Lê Văn Quảng- Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng khẳng định, việc chữa bệnh bằng cách cúng bái, giải oan là phản khoa học. Trước thông tin một số bệnh nhân mắc ung thư cho rằng bản thân đã khỏi bệnh sau khi chữa bệnh bằng cúng bái, PGS Quảng cho hay, việc chẩn đoán ung thư có thể có những sai số. Vì thế cần phải xem bệnh nhân đã chẩn đoán ung thư ở đâu. Nếu bệnh nhân thông qua cúng bái mà khỏi được ung thư thì có thể do chẩn đoán không chính xác. Việc chẩn đoán ung thư có nhiều phương pháp lâm sàng, hình ảnh và quan trọng nhất đó là mô bệnh học - phải lấy khối u ra để xét nghiệm. Người đọc giải phẫu bệnh phải có chuyên môn và được đào tạo về lĩnh vực này thì mới có thể đọc được.

Theo các chuyên gia điều trị ung thư, ung thư là sự phân chia không kiểm soát được của tế bào, khả năng tồn tại và phát triển ở các cơ quan và tổ chức lạ. Thông thường, các tế bào lành có một tuổi thọ nhất định và tuân thủ theo một quy luật chung là phát triển - già - chết. Các tế bào chết đi lại được thay thế bằng các tế bào mới. Theo đó, bệnh ung thư bắt đầu khi có một tế bào vượt qua cơ chế kiểm soát này của cơ thể, bắt đầu phát triển và sinh sôi không ngừng nghỉ, hình thành một đám tế bào có chung một đặc điểm phát triển vô tổ chức, xâm lấn và chèn ép vào các cơ quan, tổ chức xung quanh. Các tế bào ung thư có liên kết lỏng lẻo, dễ dàng bứt ra khỏi khối u mẹ, theo mạch máu và mạch bạch huyết di cư đến các tổ chức và cơ quan mới, bám lại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị ung thư là vô cùng cần thiết, giảm quá trình ung thư di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Tỉnh táo để bảo vệ sức khoẻ

Hiện nay, nhiều người dân vẫn đang có niềm tin vào cúng bái để chữa khỏi bệnh, sẵn sàng từ bỏ bệnh viện để tự ý đi chữa bệnh bằng các phương pháp phản khoa học, không tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ. Trước tình hình nhiều người dân chữa bệnh bằng cách cúng bái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa, khẳng định chữa bệnh theo các phương pháp mê tín dị đoan là trái pháp luật. Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám và chữa bệnh.

GS.TS Phạm Minh Thông- Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, việc đi chùa để cầu xin không có ý nghĩa trong việc quyết định điều trị bệnh. Việc làm này chỉ có thể giúp cho người bệnh an tâm hơn về mặt tinh thần. Bởi tinh thần cũng là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược điều trị.

“Các bác sĩ khi khám cho bệnh nhân cũng phải học về bộ môn tâm lý để trấn an tinh thần, tâm lý cho người bệnh. Đi chùa cũng chỉ là tâm lý, không ai đi chùa để chữa được bệnh cả”- GS Thông cho hay. Theo đó, bệnh nhân khi bị bệnh phải đến bệnh viện để khám và chữa bệnh. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán sớm để điều trị bệnh triệt để cho bệnh nhân. Người dân cần thực sự cẩn trọng, lưu ý, không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp chữa bệnh không chính xác, thiếu căn cứ khoa học để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thỉnh vong' chữa bệnh là phản khoa học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO