Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với hàng loạt nước châu Âu

Khánh Duy 13/03/2017 19:08

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu thời gian qua liên tục trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Tổng thống nước này lên tiếng cáo buộc chính phủ Hà Lan là “phát xít” do cấm các quan chức cấp cao của nước tổ chức tuần hành ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức biểu tình bên ngoài tòa lãnh sự Hà Lan tại Istanbul. (Nguồn: CNN).

Trong hôm 13/3, nhiều hãng tin phương Tây tiếp tục đưa ra tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Hà Lan sẽ bị cấm vận vì đã từ chối cho phép các Bộ trưởng của nước này được phát biểu trong các cuộc tuần hành ở Hà Lan.

Vụ tranh chấp còn lan sang cả Đan Mạch, sau khi Thủ tướng nước này nói rằng ông có thể hủy chuyến thăm của đối tác Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng bùng phát ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan trong suốt cuối tuần qua khi căng thẳng gia tăng.

Tổng thống Erdogan hiện đang tổ chức chiến dịch rầm rộ để thu hút sự ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 4 tới, liên quan tới việc mở rộng quyền lực của ông. Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, ông Erdogan đã tổ chức cuộc thanh trừng quy mô lớn - chủ yếu nhằm vào giới nhà báo, học giả và khu vực công.

Hiện nay, ông Erdogan đang muốn thu hút sự ủng hộ của gần 4,6 triệu người dân gốc Thổ đang sinh sống ở Tây Âu bởi rất nhiều trong số này được phép bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu sắp tới.

Trong khi đó, chính phủ Hà Lan cũng đang phải vất vả khi phải đối mặt với sự trỗi dậy của đảng Tự do có tư tưởng chống nhập cư, dẫn đầu bởi ông Gert Wilders, trong kỳ bầu cử. Giới chính trị ở cả Hà Lan và Đan Mạch đều lo ngại rằng sự hiện diện của các vị Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ có thể khuấy động căng thẳng ở nước họ.

Hôm cuối tuần trước, Hà Lan đã cản chuyến bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đến nước này với lý do an ninh. Ông Cavusoglu được cho là đang trên đường tới phát biểu tại Rotterdam để thu hút sự ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý. Chính quyền Hà Lan sau đó cũng ngăn Bộ trưởng Gia đình và Xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ vào tòa lãnh sự của họ ở Rotterdam.

Tổng thống Erdogan đã lập tức lên án hành động này, cũng như từng chỉ trích Đức, Áo và Thụy Sỹ, và gọi nước này “phát xít”. “Chủ nghĩa phát xít vẫn lan rộng ở châu Âu” - Tổng thống Erdogan nói. Trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng tuyên bố trên là kích động và yêu cầu lời xin lỗi.

Căng thẳng với Đức

Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất bị ông Erdogan cáo buộc là “chủ nghĩa phát xít”. Trước đó thì Đức cũng là mục tiêu của những lời chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cũng ngăn cản một cuộc tuần hành mà giới chức nước này tổ chức trong tháng. Được biết có khoảng 1,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở Đức là cử tri hợp lệ trong cuộc trưng cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới, theo hãng thông tấn Anadolu.

“Tôi nghĩ chủ nghĩa phát xít đã qua, nhưng hóa ra tôi nhầm” - Tổng thống Erdogan nói trong bài phát biểu tại Istanbul hôm Chủ nhật tuần trước - “Điều mà chúng ta thấy trong vài ngày qua ở Đức và Hà Lan là sự phản ánh của nỗi sợ người Hồi giáo”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau đó đã phản ứng hết sức mạnh mẽ, nói rằng sự so sánh này chỉ khiến làm giảm nhẹ các tội ác của phát xít.

Quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây đang ngày càng trở nên lạnh nhạt. Hồi tháng trước, nhà báo của tờ Die Welt (Đức), Deniz Yucel, đã bị chính quyền Ankara bắt giữ vì các cáo buộc khủng bố. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ thái độ hết sức giận dữ khi Quốc hội Đức tuyên bố vụ thảm sát hàng trăm nghìn người Armenia là hành động “diệt chủng”.

Trưng cầu dân ý gây tranh cãi

Trong tháng tới, các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, mà chủ yếu là về việc tái cấu trúc chính phủ, trao quyền nhiều hơn cho Tổng thống. Nếu được thông qua, nó sẽ làm thay đổi hệ thống Quốc hội nước này, quy tụ quyền lực Nhà nước dưới bàn tay của ông Erdogan.

Nhiều nhà phê bình cho rằng động thái này là đi ngược lại tiến trình dân chủ và là hành động gia tăng quyền lực của bản thân ông Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành năm ngoái. Ông Erdogan cùng các vị Bộ trưởng thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông từng nói rằng những ai phản đối cải cách sẽ bị coi là những kẻ âm mưu đảo chính và khủng bố.

Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu chính là bên chỉ trích nặng nề nhất các biện pháp thanh trừng hậu đảo chính của ông Erdogan. Chính quyền Ankara đã tổ chức bắt giữ nhiều nhà báo hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trong năm 2016, gần 140 hãng tin lớn nhỏ bị đóng cửa, hơn 41.000 người bị bắt giữ và khoảng 100.000 nhân công bị cho thôi việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với hàng loạt nước châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO