Thỏa thuận về người di cư giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ khóc người cười

09/04/2016 08:15

Hy Lạp trong hôm 8/4 tiếp tục thực hiện kế hoạch gây tranh cãi mà EU đã ký kết với chính quyền Ankara, trong đó trục xuất hơn hàng trăm người di cư trở về Thổ Nhĩ Kỳ. 

Những người di cư biểu tình để tránh bị trục xuất khỏi Hy Lạp (Nguồn: AFP).

Sự việc khiến cuộc khủng hoảng di cư biến chuyển, mang niềm vui đến cho nhiều người, trong khi một số người khác thì không tránh khỏi những giọt nước mắt buồn bã.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát trên đảo Lesbos của Hy Lạp cho hay 45 người Pakistan đã bị trục xuất, lên phà trở về Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp nỗ lực của các nhà hoạt động nhằm ngăn chặn thỏa thuận gây tranh cãi mà EU-Thổ Nhĩ Kỳ từng ký kết để ngăn dòng người di cư đến châu Âu.

Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động thậm chí còn nhảy xuống biển, ôm chặt lấy mỏ neo của chuyến phà này để ngăn chặn nó không rời khỏi cảng Lesbos. Những người này sau đó bị lực lượng cảnh sát biển bắt giam. Một nhóm khác gồm 30 người biểu tình tụ tập tại cảnh Lesbos, giơ cao khẩu hiệu “Ngừng trục xuất” và “Tự do cho người tị nạn”.

Kênh truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ thì chiếu cảnh đoàn người di cư đang xuống cảng Dikili, nơi mà họ được chuyển vào các ngôi lều tạm để đăng ký và kiểm tra sức khỏe. Một nhóm thứ hai gồm 79 người chủ yếu là đến từ Pakistan sau đó cũng rời cảng Lesbos để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai chuyến tàu đều được Frontex, cơ quan quản lý biên giới của EU kiểm soát chặt chẽ.

Trước đó, đợt trục xuất đầu tiên gồm 200 người từ đảo Lesbos và Chios của Hy Lạp đến Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra hôm đầu tuần nhưng sau đó do những người di cư tuyệt vọng đổ xô đi đăng ký diện tị nạn vượt quá kiểm soát nên việc thực thi kế hoạch này bị trì hoãn.

Trong khi đó, ở nước Đức, điểm đến hàng đầu ở châu Âu của những người di cư, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere đã tuyên bố rằng các đơn xin tị nạn đã giảm đến 66% trong tháng trước, sau khi các lệnh đóng cửa biên giới ở khu vực Balkan đã ngăn chặn dòng người đến từ Hy Lạp.

“Tháng 12-2015, số đơn xin tị nạn là 120.000, tháng Một vừa qua là 90.000, tháng Hai là 60.000 và tháng trước là 20.000” - ông Maiziere nói, thêm rằng thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tạo ra tình trạng ổn định.

Thỏa thuận gây tranh cãi này được các bên ký kết nhằm ngăn chặn người di cư thực hiện các hành trình vượt biển liều lĩnh từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, bằng cách đe dọa trục xuất họ trở lại điểm xuất phát ban đầu. Đối với mỗi người di cư bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ, một người Syria khác sẽ được châu Âu lo chỗ ở.

Các tổ chức nhân quyền từ trước đây đã lên án mạnh mẽ thỏa thuận này, trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế còn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải một điểm đến an toàn với người di cư.

Thổ Nhĩ Kỳ dọa hủy thỏa thuận

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn cảnh báo EU rằng Ankara sẽ hủy thỏa thuận này nếu như Brussels không làm đúng những cam kết của mình trong thỏa thuận này.

“Có những điều kiện rất rõ ràng đã được vạch ra. Nếu như EU không có các bước đi cần thiết thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thực thi thỏa thuận này nữa” - ông Erdogan tuyên bố.

Dù sao thì các chiến dịch tuần tra bờ biển mà phía Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong suốt thời gian qua cũng đã làm giảm đáng kể các con tàu buôn người, chở theo người di cư, đến châu Âu. Chỉ tính riêng tháng 1-2016, đã có 65.000 người di cư bị ngăn chặn đi theo lịch trình nguy hiểm này.

Thế nhưng, lợi dụng điều này, ông Erdogan đã ngã giá thêm cho cam kết của họ, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ ra đến 10 tỷ USD để ngăn chặn dòng người di cư và họ xứng đáng được hỗ trợ thêm khoản tiền khác.

Và trong khi những người di cư bị buộc phải quay trở lại điểm xuất phát của mình, thì bên vui mừng nhất trong thỏa thuận lần này chính là nước Đức. Khi dòng người di cư đổ vào nước này giảm đáng kể, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có phát biểu thể hiện sự tích cực.

“Tôi rất vui mừng, dù biết rằng chúng ta vẫn chưa hoàn thành được tất cả nhiệm vụ” - bà Merkel nói trước báo giới trong một cuộc họp với Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ nước này lại cảnh báo rằng việc đóng cửa tuyến đường di chuyển Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp có thể khiến những người di cư trở nên liều lĩnh hơn, thậm chí chuyển sang các tuyến đường còn nguy hiểm hơn cả tuyến đường biển Libya-Italy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận về người di cư giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ khóc người cười

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO