Thoát nghèo nhờ mô hình sinh kế bảo vệ môi trường sống

Khanh Lê 15/11/2017 09:40

Nhằm giúp người nghèo các xã ven biển tỉnh Bến Tre có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, năm 2013 Dự án Xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và khí hậu giai đoạn 2012-2017 (gọi tắt là Dự án RADCC) đã triển khai thực hiện hợp phần sinh kế. Sau 5 năm triển khai, thu nhập và an ninh lương thực của 11.000 người nghèo đã tăng lên. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo của các hộ được hỗ trợ bởi dự án cao hơn so với hộ nghèo không thuộc dự án (14% so


Nuôi dê bách thảo - sinh kế mới của người dân ven biển.

Nâng cao tỷ lệ hộ dân thoát nghèo

Khởi đầu vào năm 2014, vợ chồng ông Trần Trọng Vũ ở ấp Tân Thị được hỗ trợ một con dê cái và tập huấn kỹ thuật, đến nay gia đình ông có tổng số 29 con dê. Với một con dê ban đầu được dự án hỗ trợ, ngay trong năm đầu tiên gia đình ông đã ưu tiên phát triển đàn dê để hướng tới những kết quả lâu dài. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các kỹ năng quản lý kinh tế và chăn nuôi đã được tập huấn, ông Vũ hiện đang đảm nhiệm vị trí thư ký và thủ quỹ cho nhóm nuôi dê có 18 thành viên. “Trước đây tôi luôn lo lắng về sự bất ổn định của việc trồng lúa bởi vì gia đình phải thuê đất để canh tác lúa nhưng từ khi chuyển sang chăn nuôi dê gia đình tôi không còn lo lắng về sự bất ổn kinh tế cũng như những thay đổi do biến đổi khí hậu như trước đây”- ông Trần Trọng Vũ chia sẻ.

Tham gia vào chuỗi giá trị này với vai trò là thương lái và chủ lò giết mổ, anh Ron (ấp An Thới, xã An Quý) đã phối hợp chặt chẽ với các hộ nông dân nuôi dê, với các bác sỹ thú y - là những người kiểm định và chứng nhận điều kiện sức khỏe và chất lượng sản phẩm. Trước khi tham gia Dự án, anh Ron chưa biết gì về tiêu chuẩn môi trường và vệ sinh an toàn trong quy trình giết mổ dê. Tuy nhiên, sau khi tham gia Dự án, anh Ron đã thay đổi hoàn toàn và hiện nay đã tuân thủ tất cả các thực hành tốt nhất để bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người. Việc này đã giúp cho anh Ron nâng cao chất lượng sản phẩm và gây dựng được lòng tin với người tiêu thụ. Nhờ vậy, sau 3 năm kể từ khi tham gia Dự án, quy mô sản xuất và thu nhập của anh đã tăng lên gấp đôi.

Đánh giá việc triển khai Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Dự án đạt được một số kết quả quan trọng như cải thiện được năng lực quản lý rủi ro thảm họa và khí hậu của chính quyền địa phương thông qua việc lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức của các thành viên trong cộng đồng về những rủi ro thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, các mô hình chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi bò và tổ hợp tác may túi xách, đã góp phần cải thiện thu nhập, giúp nhiều hộ ở vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre thoát nghèo. Đến nay, có 2.757 hộ được nhận hỗ trợ sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất cho hộ; tỷ lệ thoát nghèo của các hộ nhận hỗ trợ của dự án cao hơn 20% so với tỉ lệ thoát nghèo của hộ ngoài Dự án.

Đa dạng các hoạt động sinh kế

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, qua thực hiện Dự án, với tổng giá trị hỗ trợ ban đầu là 11 tỷ đồng thì tổng giá trị đàn dê hiện tại là hơn 20 tỉ đồng, góp phần cải thiện thu nhập của người dân, nâng số hộ thoát nghèo lên 442 hộ. Thông qua Dự án, có 100% các hộ hưởng lợi đã tiếp cận với kiến thức và phương pháp nuôi dê và bò sinh sản thích ứng biến đổi khí hậu.

Việc thiết lập chuỗi giá trị trong chăn nuôi dê ở Bến Tre đã được minh chứng là một mô hình thành công trong nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động sinh kế cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ, giúp nâng cao khả năng thích ứng và phục hồi trong bối cảnh thay đổi của thời tiết và khí hậu. Đây cũng là ví dụ cho thấy sự hợp tác giữa nhiều chủ thể khác nhau trong một chuỗi giá trị bền vững, giúp cải thiện các thực hành liên quan đến môi trường, các quy trình đảm bảo sức khỏe và an toàn cũng như các lợi ích kinh tế của cộng đồng.

Kết quả đến nay có trên 8,7 ngàn hộ tham gia đăng ký cải thiện hành vi, 100% hộ thực hiện các hành vi. Số hành vi đã cải thiện so với đăng ký: 55,6 ngàn/74,9 ngàn (tỷ lệ 74%). Trong đó hành động ứng phó, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đạt 72%. Hành động giảm nhẹ BĐKH đạt 76,6%. Hành động vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường đạt 74,4%.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa- phó giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định: Với mục tiêu “Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của người nghèo (đặc biệt là phụ nữ) và chính quyền địa phương đối với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong các cộng đồng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”, dự án RADCC tại Bến Tre đã đạt được những thành quả tốt đẹp, đem lại thay đổi đáng kể trong cộng đồng các xã tham gia Dự án và là bài học kinh nghiệm cho ban, ngành tỉnh và địa phương trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giảm 34,9% số hộ thiếu đói

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 10-2017, cả nước có gần 1,6 nghìn hộ thiếu đói, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 28,9%.Tính chung 10 tháng năm nay, cả nước có 165,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 678,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 35,5%.

Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 21,3 nghìn tấn lương thực và hơn 1 tỷ đồng.

K.Lê

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát nghèo nhờ mô hình sinh kế bảo vệ môi trường sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO