Thoát nghèo ở xã vùng 3

Hà Giang 11/01/2017 09:25

Vốn được mệnh danh là xã “vùng 3” của Bắc Quang, Hà Giang, nhưng bằng việc lựa chọn và phát huy thế mạnh của mình, Tân Lập đang ngày càng đổi thay. Để ngày nay, nếu có đặt chân lên đất này người ta đã có những ghi nhận về đất và người.

Thoát nghèo ở xã vùng 3

Đàn gia súc ở Tân Lập đã được tăng lên nhanh chóng.

Do đặc thù là xã vùng cao tiếp giáp với huyện miền Tây của tỉnh là Hoàng Su Phì nên Tân Lập được coi là miền đất hết sức khó khăn. Ở đây, thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thường hay có sương muối, băng tuyết, nên việc phát triển các mô hình cây, con mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tân Lập gặp không ít trở ngại.

Vì khí hậu thời tiết khó khăn như vậy nên trong rất nhiều năm, lãnh đạo và người dân Tân Lập luôn loay hoay kiếm tìm những giải pháp cho mình.

Và cuối cùng, vận may cũng đã đến, như câu nói của các cụ, trong cái khó sẽ ló cái khôn, sau không ít lựa chọn, dò dẫm, tiềm năng về chăn nuôi đại gia súc – một thế mạnh đã bị bỏ quên lâu ngày được phát huy.

Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc đã được tích cực tuyên truyền. Những lớp tập huấn, những mô hình điểm được lựa chọn đã giúp bà con nhận thấy rõ lợi ích của việc chăn nuôi.

Cán bộ Khuyến nông được cử xuống, chăn nuôi quảng canh được thay thế bằng những biện pháp khoa học. Nhờ tất cả sự chăm chút này mà chỉ trong thời gian ngắn, đàn trâu bò ở đây đã được nhân lên nhanh chóng.

Làm chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi... đã đưa đàn gia súc tăng lên liên tục. Nếu vài năm trước, đàn gia súc ở đây chưa có số lượng đáng kể thì chỉ sau thời gian phát huy thế mạnh, đã nâng lên đến 5311 con, riêng đàn trâu đã nâng lên tới 1.464 con.

Bằng việc nhân mạnh đàn gia súc nên mỗi năm Tân Lập đã xuất ra thị trường khoảng 100 con trâu, 6 tấn lợn và hơn 2 tấn dê thịt...

Giá trị thu nhập từ chăn nuôi trâu và gia súc nói chung đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất của nhân dân trong toàn xã. Từ một hai thôn nòng cốt thì nay phong trào nuôi gia súc ở Tân Lập đã vươn rộng ra các thôn như Minh Hạ, Chu Hạ, Chu Thượng và thôn Khá Thượng.

Ở thôn Nậm Siệu, xã Tân Lập, mô hình kinh tế của anh Triệu Chàn Châm được coi là mô hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Hiện tại, gia đình anh Châm có 9 con trâu, 7 con bò, 2 con ngựa và trên 20 con dê, 2 ha chè Shan tuyết...

Từ mô hình kinh tế tổng hợp đã cho gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng/năm. Với việc phát triển chăn nuôi gia súc mỗi năm các gia đình luôn có nguồn thu đều đặn khoảng từ 50 – 300 triệu đồng/năm.

Để chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, theo ông Triệu Chàn Khuân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, xã đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt.

Để giúp đỡ các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, vừa qua, bằng các nguồn vốn, xã hỗ trợ 3.000 mét nilon để che chắn chuồng trại của 247 hộ nghèo tại 8/8 thôn bản. Đã cùng ngân hàng giải ngân cho 1 cơ sở chế biến chè 500 triệu đồng và 9 hộ mua trâu với số tiền 580 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát nghèo ở xã vùng 3

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO