Thời cơ vàng để du lịch cất cánh

DIỆP ANH 20/02/2022 07:00

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, du lịch Việt Nam đã có tín hiệu khởi sắc. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương, các công ty du lịch, lữ hành đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu, đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Đặc biệt, từ ngày 15/2, các chuyến bay quốc tế đã được nối lại, và từ 15/3 tới, mở cửa lại các hoạt động du lịch được ví như thời cơ vàng đề phục hồi du lịch. Nhiều người kỳ vọng, du lịch năm nay sẽ khởi sắc, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách quốc tế vốn bị “kiềm tỏa” bởi dịch bệnh trong suốt 2 năm qua.

Du khách Nga có “hộ chiếu vaccine” đến Nha Trang (Khánh Hòa).

Đà Nẵng phấn đấu đón 180 nghìn lượt du khách quốc tế

Tại Đà Nẵng, ngành du lịch ở địa phương này cũng đã đặt ra mục tiêu năm 2022, phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2011, trong đó khách quốc tế đạt 180 nghìn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu; rà soát, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án trọng tâm thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với các điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động - thích ứng - linh hoạt” và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch; thực hiện một số nội dung thí điểm và chuẩn bị sản phẩm du lịch mới để thu hút khách như, các sản phẩm du lịch đô thị gắn với kinh tế đêm; sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch đường thủy; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, MICE…

N.HÀ

1. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có nhiều diễn biến khó lường, nhưng do tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Việt Nam ở mức cao, nên việc mở cửa đón khách du lịch trong và ngoài nước đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp, các công ty lữ hành và đặc biệt là sự vào cuộc hào hứng của các địa phương.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đồng ý với đề xuất về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” từ ngày 15/3 tới sẽ thực sự giúp ngành du lịch “hồi sinh”.

Khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chắc chắn sẽ đông, bởi khi đó, việc cấp thị thực nhập cảnh (visa) sẽ được thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương. Khi đó, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...

2.Theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…

Đến nay, đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

“Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”

Tỉnh Quảng Nam - nơi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn - cũng đã bắt tay triển khai hàng loạt hoạt động thúc đẩy du lịch. Trong đó, năm nay Quảng Nam vinh dự tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 có chủ đề là “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” (Visit Viet Nam Year - Quang Nam 2022). Dự kiến, lễ khai mạc được tổ chức vào ngày 25/3 tại đảo Ký ức, thành phố Hội An. Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 tại Vinpearl Nam Hội An nhân dịp tổng kết năm 2022 và đón chào năm mới 2023.

Các hoạt động hưởng ứng sự kiện này sẽ được triển khai theo 6 chủ đề bao gồm: Chương trình Du xuân đất Quảng từ tháng 1-3/2022; Chương trình Du lịch sông nước, nông nghiệp và sản phẩm OCOP từ tháng 4-6/2022; Chương trình Du lịch Chu Lai điểm hẹn từ tháng 4-9/2022; Chương trình Du lịch văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ tháng 5-8/2022; Chương trình Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè từ tháng 5-9/2022; Chương trình Du lịch - Sắc màu di sản từ tháng 9-12/2022.

H.CHI

Đây có thể nói là một trong những tín hiệu tốt của ngành du lịch trong năm 2022 này. Tín hiệu đó có thể quan sát dễ dàng trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Cụ thể, một số địa phương như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang… đã phối hợp với các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch (Saigontourist, TTC Travel…) tổ chức lễ đón du khách “xông đất” đầu năm, đồng thời bày tỏ hi vọng về một năm mới du lịch Việt Nam phát triển hơn.

Một số liệu thống kê cho thấy, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022-6/2/2022), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine đạt 467 người.

Thống kê cụ thể cho thấy, Tây Ninh là địa phương đón lượng khách lớn nhất với 595.000 lượt khách; Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách; Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 120.000 lượt khách có lưu trú qua đêm, tăng trên 128,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Quảng Ninh đón khoảng 290.000 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Tuy nhiên, cũng từ thực tế cho thấy, ở một số điểm đến vẫn còn xuất hiện những hiện tượng chặt chém du khách. Điều này cũng đã được báo chí, cộng đồng mạng lên tiếng, và cơ quan chức năng của địa phương cũng đã xử lý.

Song, vấn đề đặt ra là các địa phương, các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có những chế tài nghiêm khắc với những chủ cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi… để hạn chế những hiện tượng gây ảnh hưởng tới bức tranh chung của ngành du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.

Nghệ sĩ Việt Nam trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Tuần lễ “Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long - Kỳ quan mới của thế giới” tại EXPO 2020 Dubai, với nền sân khấu phía sau là hình ảnh của Vịnh Hạ Long.

3.Tính tới thời điểm này, các địa phương trên toàn quốc đã xúc tiến, triển khai nhiều biện pháp thu hút khách du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thành phố đã và đang huy động mọi nguồn lực, tăng cường các giải pháp cụ thể triển khai, bảo đảm thích ứng, an toàn với dịch Covid-19.

Cụ thể, mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023.

Theo đó, năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách. Trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, bà Hương Giang nói rằng, sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường như: Du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn ở Ba Vì, Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá.

Dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ, du lịch thăm bảo tàng tại tại khu vực Hoàn Kiếm, Đông Anh đối với khách du lịch trẻ, khách du lịch theo gia đình. Tour du lịch khám phá kiến trúc Pháp ở Hoàn Kiếm, Ba Đình đối với khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách du lịch theo đoàn... Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề...

Trong khi đó, Quảng Ninh cũng đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để hút du khách đến với các danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng của tỉnh này. Đặc biệt, Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của thế giới, nơi có rất nhiều du khách mong một lần được khám phá nhưng suốt 2 năm qua dịch bệnh đã ngăn cản bước chân trải nghiệm.

Một trong những sự kiện kích cầu du lịch khá lớn được tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức, đó là Tuần lễ “Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long - Kỳ quan mới của thế giới” tại EXPO 2020 Dubai đã chính thức được khai mạc ngày 12/2 với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm quảng bá và tôn vinh di sản thế giới từng 2 lần được UNESCO công nhận của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực quảng bá, thu hút khách quốc tế nhằm khôi phục ngành du lịch sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, Tuần lễ Di sản thế giới vịnh Hạ Long - Kỳ quan mới của thế giới tại EXPO 2020 Dubai là sự kiện mang nhiều ý nghĩa quan trọng, qua đó gửi tới thế giới thông điệp về một Việt Nam an toàn, thân thiện, sẵn sàng đón khách du lịch.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu du khách quốc tế năm 2026

Trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đề xuất gồm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 - 450 nghìn tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019).

Giai đoạn 2024 - 2026, sẽ phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra); khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 - 65% so với chỉ tiêu Chiến lược); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680 - 780 nghìn tỷ đồng (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược).

Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng (tăng 15,5 - 17,5% so với so với năm 2025).

H.SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời cơ vàng để du lịch cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO