‘Thời gian vàng’ để dập dịch

ĐOÀN XÁ-LÊ ANH-THANH GIANG 17/07/2021 06:13

Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua 1 tuần  thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, căng thẳng. Vì thế, thành phố tiếp tục tận dụng “tuần lễ vàng” còn lại  trong đợt giãn cách xã hội lần này để kiểm soát, khống chế, dập dịch.

Tuần cuối giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP HCM cần tách được F0 triệt để khỏi cộng đồng.

Điều tra nguồn lây, ngăn chặn F0

Đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 7 ngày đã qua, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận, kể từ ngày 9/7 thành phố liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh qua mỗi ngày.

Thành phố đã nỗ lực để tìm ra nguyên nhân này và đã từng bước kiểm soát được nguồn lây nhiễm qua điều tra, truy vết, khoanh vùng triệt để. Thành phố xác định được đa số ca nhiễm ghi nhận tại các khu cách ly, phong tỏa. Sau đó, số ca tiếp tục được ghi nhận phát sinh tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng tiếp tục được truy vết, khoanh vùng.

Cho đến thời điểm hiện tại các cơ sở điều trị Covid-19 vẫn đang điều trị thường xuyên cho 15.990 bệnh nhân, trong đó 246 ca đang thở máy, 7 trường hợp cần can thiệp ECMO. Bên cạnh đó, thành phố đang cách ly tập trung đối với 14.968 người và cách ly tại nhà là 37.400 người.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, số ca nhiễm mới hầu hết phát sinh trong khu cách ly, phong tỏa. Do đó, không loại trừ khả năng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly và phong tỏa. Chủ tịch thành phố cho rằng, 7 ngày tới là thời gian rất quan trọng để thành phố đặt mục tiêu giảm số ca F0 trong khu vực phong tỏa.

Các kết quả quan trọng một tuần qua giúp lãnh đạo TP HCM định hình việc duy trì giải pháp về tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa các lây lan diễn ra tại các khu phong tỏa, cách ly. Song song đó, thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ở những nơi này thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách.

Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phát huy vai trò của Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Đặc biệt, người dân được yêu cầu phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình, khu phố cách ly khu phố tại những nơi phong tỏa.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nhất quyết không để xảy ra tình trạng người dân tại các khu phong tỏa tập trung vi phạm quy định về giãn cách. Điều này sẽ dẫn đến những nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, rất khó lường trước.

Dựa trên tình hình thực tế sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã đưa ra một số gợi ý về “thời gian vàng” của một tuần lễ tăng tốc. Ông Nên cho rằng các ca F0 ở ngoài cộng đồng, ở nhiều nơi, chưa thể phát hiện kịp thời, do đó vẫn cần được khoanh vùng. Nhất là cần tăng cường tầm soát, truy vết, xét nghiệm, phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời nguồn lây trong cộng đồng.

Chuẩn bị cho tình huống mới

Một tuần qua cũng là giai đoạn TP HCM ghi nhận các kỷ lục mới về số ca nhiễm tăng cao vào mỗi ngày. Đại diện Sở Y tế TP HCM kêu gọi toàn ngành cùng tham gia vào giai đoạn “nước rút” của tuần cuối giãn cách xã hội. Các bệnh viện (BV) và Trung tâm cấp cứu 115 được yêu cầu sẵn sàng ứng phó điều trị Covid-19. Theo kế hoạch, BV đa khoa, chuyên khoa xây dựng phương án “BV tách đôi”. Nghĩa là một nửa dành để tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19, một nửa dành để tiếp nhận người mắc Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, có tất cả 24 BV điều trị Covid-19 của thành phố đang hoạt động. Trong đó, có 19 BV đang hoạt động, 5 BV còn lại được thiết lập với quy mô điều trị lên đến gần 45.000 giường. Trong khi đó, BV Hồi sức Covid-19 cũng bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 1.000 giường hồi sức cấp cứu chuyên sâu điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Hiện nay, khu vực điều trị nội trú của BV Ung bướu cơ sở 2 cũng được tạm chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường. Điểm thuận lợi nhất của Trung tâm Hồi sức Covid-19 chính là hạ tầng sẵn có.

Cụ thể, tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm. Ngoài ra, ở đây có 100 giường săn sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh oxy và hút trung tâm - một yêu cầu hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch. Như vậy, ngoài BV bệnh Nhiệt đới và BV Chợ Rẫy là tuyến cuối về điều trị Covid-19, TP HCM đã chuẩn bị thêm được Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, công tác phòng, chống dịch đã chuyển sang trạng thái mới từ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đến cách thức tổ chức. Các công việc được phân công rõ ràng, rành mạch, có hệ thống bao quát, đồng điệu và cụ thể ở từng khâu. Từ xét nghiệm, thu thập dữ liệu, quản lư điểm thu dung, cách ly điều trị...

Về xét nghiệm, thành phố không xét nghiệm đại trà mà có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp xét nghiệm PCR với kháng nguyên nhanh; trả kết quả nhanh hơn, không tồn đọng mẫu, công suất xét nghiệm tăng nhanh.

Bên cạnh các hạ tầng y tế sẵn có, TP HCM đã thiết lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND thành phố để theo dõi, xử lý nhanh chóng các tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố cũng thiết lập được cơ chế điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 thông qua Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại trụ sở UBND thành phố, cũng mới được thành lập.

Tất cả các công tác đều để dự phòng cho các tình huống có thể diễn biến trong những ngày tới, trong đó các ca nhiễm chuyển sang giai đoạn nặng sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố phải có phương án oxy và cơ sở hạ tầng.

“Thời gian vàng” để khống chế dịch

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến phòng, chống Covid-19 với TP HCM và 62 tỉnh, thành ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt là TP HCM phải quan tâm, chuẩn bị cho tình huống kịch bản xấu.

Đó là tình huống các ca diễn biến tăng nặng sẽ nhiều hơn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng và năng lực về xét nghiệm, cách ly. Với cách ly tập trung phải dự phòng việc phải giảm tối đa lây nhiễm chéo “vì chủng lần này nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế cũng đã nhận được đề xuất về hỗ trợ trang thiết bị điều trị Covid-19 của TP HCM, nhưng tinh thần chung địa phương vẫn phải chủ động “liệu cơm gắp mắm”, dựa trên nguồn lực của mình. Đó là tinh thần “4 tại chỗ”, chủ động, không phụ thuộc quá nhiều vào Trung ương.

Thêm một vấn đề rất quan trọng, đó là trong khi các khu phong tỏa, khu cách ly được TP HCM xác định là mũi trọng tâm trong “thời gian vàng” trong tuần cuối giãn cách xã hội, tuy nhiên không thể xem thường các ca nhiễm còn tiềm ẩn trong cộng đồng nhưng chưa được bóc tách.

Ghi nhận của nhóm PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 16/7, ở một số nơi dù đã khoanh vùng, phong tỏa nhưng người dân cũng chưa có ý thức tuân thủ triệt để. Cụ thể, vẫn để xảy ra tình trạng đông người, chen lấn, đặc biệt là tại các khu vực BV và một số chốt kiểm soát giao thông.

Tại một số khu vực có đặc thù nhất định, như các chốt giao lộ lớn, lượng người xe vẫn khá đông, thậm chí để xảy ra ùn tắc hàng cây số với dòng người chen chúc bởi lực lượng chức năng không kiểm soát kịp giấy thông hành đi đường của người dân.

Chúng tôi cũng ghi nhận khu vực một số BV tư, phòng khám trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng người dân chen lấn, xếp hàng dày hàng trăm người để tìm kiếm giấy test nhanh âm tính nhằm mục đích di chuyển. Dù là cần thiết để kiểm soát người đi đường nhưng việc các BV, phòng khám không thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh cũng khiến nhiều người bất an, lo lắng.

Đối phó với những tình huống phức tạp có thể diễn biến trong tuần cuối giãn cách xã hội, TP HCM đang nâng cao năng lực của các Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.

Bên cạnh đó, Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời, cũng là phương án sẵn sàng cho việc mua sắm bổ sung các trang thiết bị y tế cần thiết. Song song đó, một Trung tâm điều phối tiêm vaccine phòng Covid-19 đang chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tiêm chủng quy mô lớn cho 1,1 triệu người (đợt 5) bắt đầu từ ngày mai (18/7).

Trong tình huống tăng các ca nhiễm mới lẫn gia tăng số ca chuyển nặng, buộc TP HCM phải nghĩ tới giải pháp về nâng cao năng lực điều trị. Trong tuần đầu giãn cách xã hội, dưới áp lực gia tăng các ca bệnh, TP HCM đã đối diện với các áp lực kể trên, trong đó có giải pháp tăng cường là sửa chữa đưa vào sử dụng thêm 5 nhà chung cư làm BV dã chiến và đưa vào sử dụng một BV 1.000 giường hồi sức.

Đồng thời, thành phố cũng phải nhanh chóng chuẩn bị thêm 39.240 giường điều trị tại 23 BV điều trị Covid-19. Đây là các kinh nghiệm quý báu để TP HCM dự phòng do các diễn biến khó lường trong tình hình mới.

Sau hơn 1 tuần áp dụng các biện pháp chặt chẽ kiểm soát dịch bệnh, TP HCM vẫn khó tránh khỏi một số bất cập, tồn tại cần tiếp tục khắc phục để tăng cường hiệu quả của việc khống chế dịch trong “thời gian vàng” của tuần lễ còn lại. Đây là quãng thời gian để lực lượng y tế thành phố và cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt các quy định phòng chống dịch theo các kịch bản đã chuẩn bị, với mục tiêu sớm kiểm soát, khống chế dịch thành công trong đợt bùng phát này.

Có thể phải cần thêm một tuần giãn cách

Về kết quả sơ kết tuần đầu thực hiện cách ly xã hội toàn TP HCM theo Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ ra một số khiếm khuyết như tập trung đông người đi xét nghiệm, thông tin bịa đặt gây nhiễu trên mạng xã hội khiến cộng đồng hoang mang… Số ca mắc mấy ngày qua đang tăng cao. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu TP HCM cần phải có đánh giá sát hơn, bản chất của thực trạng trên là gì, số ca bệnh tăng cao là do bị tồn trước đây nay mới công bố hay đó chính xác là ca bệnh mới. Và khi đánh giá chính xác, trong một tuần tiếp theo nếu ca mắc vẫn tăng, bệnh nặng tăng, tử vong tăng thì TP HCM có thể phải kéo dài Chỉ thị 16 thêm một tuần lễ nữa để chống dịch triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Thời gian vàng’ để dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO