Thời gian nghỉ phép hàng năm áp dụng cho viên chức như thế nào?

PV (theo VGP) 26/12/2017 07:40

Ông Phan Văn Hà (Nghệ An) làm việc tại Kho bạc Nhà nước từ tháng 6/1992. Căn cứ  Điều 112 Bộ luật Lao động thì số ngày nghỉ phép hằng năm của ông 17 ngày, tuy nhiên, Phòng Tài vụ chỉ tính cho ông 16 ngày phép. Ông Hà hỏi, như vậy có đúng không?

Thời gian tính phép cho người tập sự, thử việc (12 tháng) được quy định tại Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, Điều 111 Bộ luật Lao động nhưng Phòng Tài vụ của cơ quan ông Hà không cho người tập sự, thử việc hưởng phép thì có đúng quy định hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời:

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động, đối với người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động bằng 12 ngày làm việc.

Điều 112 Luật này quy định, ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau: Cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Theo luật sư, các quy định nêu trên được hiểu là: Người lao động làm việc cho một người sử dụng lao động, với công việc trong điều kiện bình thường, thì số ngày nghỉ hàng năm (nghỉ phép) tăng thêm theo thâm niên như sau:

- Từ năm thứ nhất đến hết năm thứ 5: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

- Từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 13 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

- Từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 14 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

- Từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 15 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

- Từ năm thứ 21 đến hết năm thứ 25: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 16 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

- Từ năm thứ 26 đến hết năm thứ 30: Mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này người lao động có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 17 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

Ông Phan Văn Hà bắt đầu làm việc tại cơ quan Kho bạc Nhà nước từ tháng 6/1992. Đến thời điểm cuối tháng 12/2017, ông Hà mới làm việc được 6 tháng (chưa đủ 12 tháng) của năm thứ 26, nên chỉ được nghỉ phép 16 ngày tương ứng với thâm niên 25 năm làm việc. Việc cơ quan tính ngày nghỉ hàng năm theo thâm niên cho ông Hà như ông phản ánh là phù hợp quy định.

Để thuận tiện cho việc tính ngày nghỉ hàng năm, căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 146 Bộ luật Dân sự, cơ quan nên xác định thời gian làm việc tính ngày nghỉ phép theo năm dương lịch, bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm (1/1) đến hết ngày cuối cùng của năm (31/12). Năm 2018, ông Hà có thâm niên công tác 26 năm sẽ được nghỉ 17 ngày phép.

Tính ngày nghỉ phép với thời gian tập sự, thử việc

Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định, thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động, Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi ông Hà công tác có người thử việc, tập sự 12 tháng, sau đó làm việc cho cơ quan thì được nghỉ 12 ngày phép.

Đối với trường hợp người có thời gian tập sự, thử việc, nhưng sau đó không làm việc cho cơ quan thì thời gian tập sự, thử việc không được tính số ngày nghỉ phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời gian nghỉ phép hàng năm áp dụng cho viên chức như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO