Thời mạng xã hội, nhà báo làm gì?

Dương Tiêu 18/06/2017 08:00

Thời đại mạng xã hội lên ngôi, khi mà tốc độ và độ chính xác của tin tức không còn là lợi thế của báo chí truyền thống, nhà báo có thể làm gì để kiến tạo tương lai cho chính mình?

Báo mạng không chỉ thách thức báo giấy truyền thống, mà cũng là sự “thử lửa” với nhà báo.

Cuộc lật đổ của mạng xã hội

Ngày 28/6/2012 sẽ đi vào lịch sử báo chí thế giới như một dấu mốc của sự lật đổ. Ngày hôm đó, một trang blog dội thẳng nước lạnh vào hai đế chế tin tức lớn nhất hành tinh - trong một sự kiện chính trị, thứ vốn phải là sở trường của các nhà báo chuyên nghiệp.

Hôm đó, Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc của Tổng thống Barack Obama - hay còn được gọi là Obamacare. Fox News và CNN, hai kênh truyền hình tin tức lớn nhất nước Mỹ, đồng loạt đưa tin về sự kiện: Obamacare đã bị Tòa tối cao bác bỏ.

Obamacare là một chính sách vô cùng quan trọng với người dân Mỹ, và sau này, nó trở thành phần gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama - hay thậm chí là ảnh hưởng lên cả cuộc đua đến chức tổng thống hiện nay của Donald Trump. Một sự kiện quan trọng như vậy, tưởng như báo chí không được phép nhầm.

Nhưng họ đã nhầm. Ngay trước thời điểm đó, trang SCOTUSBlog - một blog của một nhóm các cây viết tự do tại Washington - phân tích và chỉ ra rằng: Chính sách bảo hiểm bắt buộc của Tổng thống Obama đã được Tòa cho phép tồn tại, dưới dạng một loại thuế.

Trang SCOTUSBlog này vốn được duy trì bởi một vài luật sư, chuyên phân tích về các vấn đề xung quanh Tòa án Tối cao Mỹ. Trước ngày 28/6 đó, nó cũng chỉ như hàng vạn blog trên khắp thế giới, là một địa chỉ tham khảo về mặt quan điểm. Nhưng hôm ấy, trong một sự kiện vô cùng quan trọng với cả nước Mỹ, nó đã đánh bại CNN và FOX ở hai khía cạnh: tốc độ và sự chính xác. SCOTUSBlog trở thành một biểu tượng của sự lật đổ.

Sự kiện này được giáo sư Mitchell Stephens của Đại học New York nhấn mạnh trong cuốn “Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí” (Beyond News: The Future of Journalism). Nó nêu bật một vấn đề vốn đã hình thành từ lâu: mạng xã hội có thể đánh bại báo chí chuyên nghiệp trong nhiều vấn đề liên quan đến tin tức.

Rất dễ hiểu nếu nhìn vào vụ Obamacare. Internet cho phép bất kỳ một ai cũng có thể xuất bản quan điểm và thông tin của mình, không phải trông chờ vào kênh truyền thống của báo chí nữa. Trên hạ tầng đó, có thể xuất hiện nhiều chuyên gia. Làm sao các nhà báo có thể thạo luật hơn một luật sư nhiều năm theo dõi Tòa án Tối cao? Ngay cả khi có thể tìm hiểu, phân tích để chỉ ra vấn đề một cách chính xác, họ cũng phải mất thời gian: các luật sư chuyên nghiệp làm việc đó trong chớp mắt.

Hãy liên tưởng câu chuyện diễn ra ngày 28-6-2012 đến bất kỳ sự kiện nào diễn ra trong xã hội ngày hôm nay. Khi một sự kiện diễn ra, ở đâu đó, luôn có hơn một vị giáo sư, một luật sư hay là một nhà hoạt động, thông thạo vấn đề hơn các nhà báo. Cho dù đó là một câu chuyện về môi trường (chặt cây xanh đô thị, phá rừng), về quy hoạch (tàu điện trên cao, mật độ xây dựng...) hay là pháp luật (vụ án, các vấn đề của tư pháp)... đều có người giỏi hơn nhà báo.

Chưa bàn đến những phân tích, ngay cả trong việc phản ánh sự kiện, luôn sẽ có một ông hàng xóm nào đó, một nhân chứng vô tình có mặt tại hiện trường đầu tiên.

Và nếu những người đó có kênh xuất bản của mình, thì báo chí sẽ bị đánh bại.

Thế kỷ 21 cho những nhân vật này công cụ và kênh xuất bản. Công cụ, là chiếc smartphone có chức năng quay phim chụp ảnh rất tiện lợi. Kênh xuất bản, chính là các hạ tầng mạng xã hội, mà bây giờ facebook chính là hạ tầng phổ biến nhất.

Hãy thử tham khảo một sự kiện lớn khác của thế giới: vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines trên bầu trời miền Đông Ukraine. Ngày hôm đó, tất cả các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều phải sử dụng lại một đoạn video không chuyên. Đoạn video mô tả thời điểm chiếc máy bay xấu số rơi xuống từ bầu trời - và nó được quay bởi một nhân chứng vô tình có mặt ngay lúc đó. Điều đáng kể của thế kỷ 21: nó đã được đăng lên YouTube, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, trước khi báo chí có thể tiếp cận.

Câu hỏi đặt ra là, với các nền tảng mạng xã hội kiểu này, thì phải chăng ngày tàn của báo chí sắp đến?

Người dân có thể chứng kiến sự kiện máy bay rơi. Một người hàng xóm nào đó có thể thấu hiểu hoàn cảnh của những thân nhân ở lại. Một bác sỹ có thể chứng kiến rõ ràng hơn nghị lực của người sống sót. Nhưng nhà báo, thì có điều kiện để xâu chuỗi toàn bộ những chi tiết ấy lại, vẽ được bức tranh toàn cảnh, hay nói cách khác, là “biên dịch” sự kiện thành thứ ngôn ngữ có thể thu hút độc giả - về mặt cảm xúc hay chỉ để đáp ứng sự tò mò.

Nhiệm vụ của báo chí

Báo chí có thể làm gì trong thời đại mà từ tốc độ đăng tải đến sự chính xác đều bị đe dọa bởi mạng xã hội? Đó là câu hỏi đang làm đau đầu ngay cả những tòa soạn hùng mạnh nhất thế giới. Câu trả lời tạm được đưa ra cho đến lúc này, là khả năng đào sâu vấn đề. Các nhà báo, so với những blogger, các chuyên gia tự do, hay là người dùng mạng xã hội nói chung, có một lợi thế đáng kể nhất: thời gian. Họ được trả lương toàn thời gian để tìm hiểu sự việc.

Trong cuốn “Beyond News” của mình, giáo sư Mitchell Stephens mô tả nhiệm vụ mới của báo chí bằng một từ: “interpreting” - biên dịch. Không phải là phiên dịch, mà là biên dịch sự kiện. Báo chí có trách nhiệm thu thập thông tin, sắp xếp nó, trình bày lại dưới một dạng dễ hiểu và đáng tin cậy với người đọc. Các dạng thông tin trên mạng xã hội có một điểm bất cập là chúng vô tổ chức. Người đọc tin trên mạng sẽ rất khó tự tổng hợp và có một cái nhìn toàn cảnh về sự kiện.

Trong một vụ tai nạn máy bay tại Việt Nam cách đây vài năm, phóng viên ngay khi tiếp cận hiện trường đã đối mặt với một vấn đề rất tiêu biểu của thời đại: những tấm ảnh hiện trường đắt giá nhất, thời điểm chiếc máy bay vừa rơi xuống, được chụp bởi những dân làng sống xung quanh đó. Nếu không có gì thay đổi, nó sẽ được đăng tải trên mạng xã hội chỉ vài phút sau.

Phóng viên của một tờ báo lớn đã phải chấp nhận mua lại ảnh từ các nhân chứng có mặt tại hiện trường. Với cái giá không hề rẻ. Và để đảm bảo được tin tức của mình được hấp dẫn, anh ta đã trả một số tiền nhiều hơn... nhuận bút của bài báo đó.

Tất nhiên, người ta có thể khen phóng viên đó dốc lòng vì sự nghiệp báo chí. Nhưng ngược lại, nó cho thấy sự thất thủ của báo chí truyền thống. Một phép toán cực kỳ phi lý về mặt kinh tế, chỉ để bảo vệ giá trị cũ của báo chí là đưa tin nóng.

Nhưng trong bài toán có vẻ như “thua chắc” ấy, báo chí có thể làm gì mà mạng xã hội không thể làm?

Câu trả lời, rất đơn giản, mà nhiều người làm báo có thể nghĩ tới một cách bản năng: đào sâu sự kiện vào sau đó. Trong những ngày tháng sau đó, các nhà báo Việt Nam tiếp tục theo đuổi sự kiện này. Những câu chuyện xúc động, về những nạn nhân trong vụ rơi máy bay, về sự kiên cường của những người vợ mất chồng, những đứa con côi cút; câu chuyện về nghị lực của người sống sót trong vụ rơi máy bay, bị bỏng toàn thân và mất cả hai chân... đều đã gây xúc động mạnh trong xã hội. Nhiều mạnh thường quân xuất hiện và trợ cấp cho các thân nhân.

Trong câu chuyện này, có 2 vấn đề hiện lên rất rõ ràng: Đầu tiên, báo chí đang có nguy cơ lớn trong cuộc đua tin tức. Sau đó, là việc vẫn còn đất cho báo chí ở những khía cạnh “hơn cả tin tức”.

Người dân có thể chứng kiến sự kiện máy bay rơi. Một người hàng xóm nào đó có thể thấu hiểu hoàn cảnh của những thân nhân ở lại. Một bác sỹ có thể chứng kiến rõ ràng hơn nghị lực của người sống sót. Nhưng nhà báo, thì có điều kiện để xâu chuỗi toàn bộ những chi tiết ấy lại, vẽ được bức tranh toàn cảnh, hay nói cách khác, là “biên dịch” sự kiện thành thứ ngôn ngữ có thể thu hút độc giả - về mặt cảm xúc hay chỉ để đáp ứng sự tò mò.

Mở rộng hơn, phóng sự điều tra cũng là một dạng “biên dịch” mà trong đó, nhà báo có thể tận dụng lợi thế về thời gian và nghiệp vụ khai thác, tổng hợp thông tin của mình.

Nhưng tất nhiên, sự “biên dịch” này tốn công sức và thời gian hơn rất nhiều so với nhiệm vụ đưa tin truyền thống. Để thực hiện được điều đó, nhà báo sẽ cần chủ trương của tòa soạn. Chưa nói đến tài chính, ít nhất, anh ta sẽ cần thêm thời gian từ tòa soạn để làm việc - thay vì lúc nào cũng lao vào một cuộc đua marathon về tin nóng với mạng xã hội, một cuộc đua họ đã mất lợi thế.

Và quan trọng nhất, hiển nhiên, là nhận thức mới của nhà báo về vai trò của mình trong thời đại mới.

Internet cho phép bất kỳ một ai cũng có thể xuất bản quan điểm và thông tin của mình, không phải trông chờ vào kênh truyền thống của báo chí. Trên hạ tầng đó, có thể xuất hiện nhiều chuyên gia. Làm sao các nhà báo có thể thạo luật hơn một luật sư nhiều năm theo dõi Tòa án Tối cao? Ngay cả khi có thể tìm hiểu, phân tích để chỉ ra vấn đề một cách chính xác, họ cũng phải mất thời gian: các luật sư chuyên nghiệp làm việc đó trong chớp mắt.
Câu hỏi đặt ra là, với các nền tảng mạng xã hội kiểu này, thì phải chăng ngày tàn của báo chí sắp đến?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời mạng xã hội, nhà báo làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO