Thói quen xấu

Lê Anh Đức 14/04/2017 09:35

Khảo sát của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) vừa công bố cho thấy, có 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, trong đó 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Điều đó cho thấy rất nhiều người dùng mạng xã hội có thói quen xấu là phỉ báng và bôi nhọ người khác.

Phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức.

Thống kê của VPIS cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (37% dân số) với thời lượng trung bình 2 giờ 18 phút mỗi ngày, trong khi mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Lẽ ra số lượng người dùng mạng xã hội nhiều, thời lượng online cao phải là điều đáng mừng, vì mạng xã hội là một tiện ích internet khá thú vị và giúp ích rất nhiều cho cuộc sống cũng như công việc của con người.

Song, thay vào đó thì hiện nay mạng internet nói chung và các mạng xã hội nói riêng lại đang bị người ta lợi dụng, sử dụng công cụ truyền thông này để bịa đặt thông tin vu khống người khác.

Điều này đã được chứng minh bởi kết quả khảo sát của VPIS. Tổ chức này chỉ ra rằng, ở Việt Nam, phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức, song nhiều nhất vẫn là phỉ báng và bịa đặt thông tin.

Người ta sẵn sàng bịa ra một câu chuyện nào đó với mục đích gây mất uy tín để “hạ bệ” sếp, người ta cũng không ngần ngại sáng tác, thêu dệt một việc không có thật để phục vụ mục đích kiếm tiền, thu hút quảng cáo, hay vì động cơ chính trị...

Nhiều người đã trở thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt, để rồi tan vỡ hạnh phúc gia đình, sụt giảm uy tín chính trị, thân bại danh liệt... vì những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.

Đáng nói, với số lượng tới hơn 1/3 dân số Việt Nam hiện nay dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube... thì tốc độ lan truyền của thông tin phải nói là “nhanh như điện”.

Với những thông tin chính thống, đúng sự thật, phục vụ các tôn chỉ mục đích tốt đẹp như tuyên truyền pháp luật, cảnh báo nguy cơ lừa đảo, kêu gọi làm từ thiện... thì tốc độ thông tin lan càng nhanh, càng nhiều người dùng chia sẻ, biết đến thì càng vô cùng đáng mừng.

Song, với tốc độ lan truyền như vậy mà thông tin lại dựa trên cơ sở hư cấu, ngụy tạo, thổi phồng sự việc, với động cơ không trong sáng thì quả là vô cùng nguy hại.

Chẳng cần phải chứng minh thì ai cũng biết những mặt tích cực của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube... đối với đời sống xã hội.

Chẳng phải các doanh nghiệp cũng đã “nhờ” mạng xã hội mà quảng cáo thương hiệu đến nhiều người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp được nhiều người biết đến, “ăn nên làm ra” khá phát đạt nhờ các mạng xã hội đó sao?

Không chỉ vậy, các mạng xã hội còn là nơi mọi người có thể chia sẻ cảm xúc buồn, vui, họp nhóm, thậm chí bàn thảo công việc mà không cần phải gặp mặt...

Song, bên cạnh đó thì hệ lụy xấu phát sinh từ các trang mạng xã hội cũng không ít, khiến nhiều người phải điên đầu với nó. Đơn cử có không ít trường hợp những người nổi tiếng là các nghệ sĩ, diễn viên, nhà báo, MC... đã phải gửi đơn đến Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) để khiếu nại, đề nghị giải quyết, xử lý tình trạng có người giả danh lập các trang Facebook cá nhân đưa những lời lẽ khiếm nhã, gây sốc, lăng mạ, chửi bới người khác.

Trong những trường hợp này, nếu người dùng mạng xã hội không tỉnh táo, hoặc thiếu chút hiểu biết là có thể tưởng giả thành thật và tin ngay vào những phát ngôn thiếu căn cứ trên mạng.

Nguy hiểm ở chỗ, nếu người ta chỉ đơn thuần giả mạo những người nổi tiếng để công kích, thóa mạ một người nổi tiếng khác thì sự việc có thể chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân, hoặc một nhóm người.

Song, nếu người ta giả mạo những lãnh đạo cấp cao để phát ngôn bừa bãi, hoặc thông tin xuyên tạc về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Trong trường hợp này, nếu không cẩn thận thì thông tin thất thiệt, xuyên tạc sai sự thật đó lại trở thành thứ vũ khí lợi hại để các thế lực thù địch tận dụng vu cáo, bôi nhọ, chống phá.

Trong thời gian qua, trước sự bùng nổ Internet, cùng các trang mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã cố gắng đưa ra những giải pháp nhằm kiềm chế, kiểm soát những thông tin xấu trên mạng.

Song, có vẻ như những giải pháp mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chỉ mang tính tạm thời, chữa cháy mà chưa phải là giải pháp căn cơ, lâu dài, có thể kiểm soát, tiến tới triệt tiêu tận gốc vấn nạn tuyên truyền phổ biến những thông tin độc hại trên các trang mạng xã hội.

Chẳng thế mà cứ lâu lâu lại xuất hiện một trường hợp bịa đặt thông tin gây xôn xao dư luận, mất ổn định, trật tự an toàn xã hội... khiến các cơ quan chức năng đau đầu để tìm cách tháo gỡ.

Chính từ thực trạng “thích nói xấu người khác” trên mà tại Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”, VPIS đã đề xuất tạo ra Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

VPIS hy vọng với sự hợp tác của các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội để kiểm soát người dùng thì những cụm từ khóa mang tính thù ghét, thói quen xấu của nhiều người dùng mạng xã hội sẽ theo đó mà giảm dần, tiến tới bị loại bỏ.

Song, để có sự phối hợp tích cực của các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời để xây dựng thành công Bộ quy tắc ứng xử nhằm kiểm soát tối đa các thông tin phỉ báng, bôi nhọ danh dự người khác, thì quả không hề đơn giản và dễ dàng chút nào.

Quan trọng là mỗi người dùng mạng xã hội phải biết kiềm chế cảm xúc, tự cân bằng bản thân mới có thể triệt tiêu thói quen xấu đã hình thành lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO