Thống nhất quy định

Tinh Anh 29/07/2021 06:58

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định, khi thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có những mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh để phục vụ nhu cầu của người dân. Song, thế nào là các mặt hàng thiết yếu thì lại chưa có “danh mục” nên mỗi địa phương lại hiểu một cách khác nhau, dẫn đến sự áp dụng quy định không thống nhất trên toàn quốc.

Các loại rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ quả là hàng hóa thiết yếu.

Từ cách hiểu “hàng thiết yếu” khác nhau, áp dụng khác nhau nên đã phát sinh ra những vướng mắc, khó khăn trong khi lưu thông hàng hóa từ tỉnh này đến tỉnh khác. Có thể mặt hàng này đối với tỉnh A là “hàng thiết yếu”, nhưng nếu sang tỉnh B thì rất có thể đó không phải “hàng thiết yếu” và khả năng cao là sẽ bị “ách lại” không cho lưu thông.

Chẳng phải từng có bí thư đoàn một phường ở Ninh Thuận khẳng định tiền không phải mặt hàng thiết yếu, bắt xe chở tiền của ngân hàng quay đầu đó sao? Chẳng phải cũng đã có phó chủ tịch một phường ở Khánh Hòa làm cả xã hội dậy sóng khi tuyên bố “bánh mì không phải hàng thiết yếu” đó sao? Ai biết còn bao nhiêu vụ tương tự?

Thực ra cũng khó trách các địa phương hiểu khác nhau về quy định “hàng thiết yếu”. Bởi lẽ, thông thường pháp luật được quy định theo “chiều xuôi”, nghĩa là liệt kê danh mục bị cấm, ít khi xây dựng theo “chiều ngược”, tức là liệt kê các hành vi được phép làm. Sở dĩ như vậy là bởi công dân có quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm.

Cách đây chưa lâu, Bộ NNPTNT từng ban hành thông tư liệt kê danh sách các loại thức ăn chăn nuôi được phép sử dụng. Rất không may cho người nông dân là trong danh sách đó không có bèo hoa dâu, là thức ăn nuôi lợn mà dân gian vẫn dùng xưa nay. Sau khi báo chí lên tiếng, phản biện, cuối cùng Bộ NNPTNT đành phải nhận sai để sửa đổi.

Nay, không chỉ là quy định theo “chiều ngược”, thậm chí còn chưa có cả danh mục “hàng thiết yếu”, dẫn đến sự lúng túng của các địa phương khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16. Sau khi xảy ra một số sự cố không đáng có, một số địa phương mới bắt đầu ban hành “danh mục” hàng thiết yếu để cán bộ các chốt kiểm dịch trên địa bàn dễ dàng nhận diện.

Song, dù cho danh mục hàng thiết yếu của các địa phương có chi tiết đến đâu cũng làm sao có thể liệt kê hết được, không bỏ sót? Và khi mặt hàng nào đó bị bỏ sót không được đưa vào danh mục hàng thiết yếu cũng đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp không được phép lưu thông, mua bán, kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Đó là lý do mà cách đây 2 ngày, Bộ Công thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất ban hành danh mục hàng hóa bị cấm khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thay vì liệt kê danh mục hàng hóa thiết yếu. Bộ Công thương kỳ vọng, nếu được chấp thuận các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện Chỉ thị 16.

Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành danh mục hàng hóa bị cấm lưu thông, kinh doanh trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương sẽ có cơ sở để “soi”, thay vì kiểm tra hàng hóa được phép giao thương. Điều đó sẽ dễ dàng hơn nhiều, lại không xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, thiếu thống nhất.

Nếu danh mục hàng hóa bị cấm được ban hành thì không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện giãn cách xã hội, mà còn giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị kinh doanh vận tải khi lưu thông hàng hóa. Tất cả những mặt hàng nằm ngoài danh mục cấm nêu trên đương nhiên là “luồng xanh”, không cần phải mất thời gian xếp hàng, chầu chực để đăng ký thẻ nhận diện phương tiện.

Dư luận xã hội đánh giá cao đề xuất mang tính khả thi trong thực tiễn của Bộ Công thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu được chấp thuận, đây có thể sẽ là bước đột phá trong việc thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thống nhất quy định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO