Thông tin y học 10/9

Khánh Vân 10/09/2017 08:20

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi do virus tăng đột biến/ Bệnh tự kỷ cần phát hiện và điều trị sớm/ Mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng sốt xuất huyết

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi do virus tăng đột biến
Giao mùa là thời điểm virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Năm nay số lượng trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV tăng đột biến. Thời điểm này, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương sàng lọc 80-120 bệnh nhân làm test RSV, 30-40% trong số đó nhiễm virus này. Bệnh nhân phải nhập viện chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong gần 200 trẻ đang điều trị tại khoa thì có đến 60 ca mắc viêm phổi do nhiễm virus RSV. Theo thạc sĩ Hà, virus hợp bào hô hấp (RSV - Respiratory Syncytial Virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới hai tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tập trung vào các thời điểm giao mùa.

RSV là loại virus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh trẻ không cần dùng kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung… Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.

Bệnh tự kỷ cần phát hiện và điều trị sớm
Tự kỷ, hay còn được gọi là những “rối loạn phát triển lan tỏa”, là dạng khiếm khuyết của hệ thần kinh, trong đó nhiều chức năng của não suy yếu, ảnh hưởng tới cuộc sống.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hiện có xu hướng ngày càng tăng, gặp nhiều ở trẻ em nhưng cũng gặp ở người lớn. Tại Trung tâm Điều trị oxy cao áp TPHCM, số trẻ em bị bệnh tự kỷ chiếm hàng đầu (25%) trong các loại bệnh trẻ em tới điều trị oxy cao áp như bại não, chậm phát triển, ngộ độc khí CO, thiếu oxy não, bỏng...

Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa bệnh tự kỷ đạt kết quả nhanh chóng. Cho nên tác dụng của các phương pháp khác đạt được nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào sự kiên trì của bố mẹ, gia đình. Khác với trẻ chậm lớn, chậm phát triển, những khiếm khuyết chức năng có thể tự mất đi theo thời gian. Ở trẻ tự kỷ, những biểu hiện của bệnh nếu không được tác động, không được điều trị sẽ khó tự mất đi mà nhiều khả năng bị nặng hơn.

Mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng sốt xuất huyết
Vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số Viện nghiên cứu đã có buổi làm việc cùng Giáo sư Scott O’Neil (Đại học Monash, Australia), Giám đốc Chương trình Loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu để bàn kế hoạch triển khai mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng sốt xuất huyết ở một số địa phương khu vực phía Nam của Việt Nam trong những năm tới.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cùng các nhà khoa học Australia nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti của địa phương mang vi khuẩn Wolbachia (muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa). Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì lại không có vi khuẩn này). Đáng lưu ý, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không phải là muỗi biến đổi gen vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi. Phương pháp này giúp khống chế một bệnh sốt xuất huyết và Zika.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông tin y học 10/9

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO