Thư gửi người xa xứ: Không cô đơn trong xã hội hiện đại

Nguyễn Văn Huy 01/10/2017 07:00

Anh Hoàng thân, Hôm nay, thế giới kỉ niệm 27 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi, còn trong nước cũng đã bắt đầu triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Tôi viết gửi anh những dòng này vì cả hai chúng ta đều đã không còn cha mẹ. Đã nhiều lần tôi cứ tự hỏi lòng rằng khi cha mẹ còn sống mình đã làm được gì để cha mẹ vui?

Đồng diễn thái cực trường sinh đạo của hành viên của các CLB Dưỡng sinh Hà Nội. Ảnh: tapchithethao.vn.

Mấy năm gần đây, có cảm giác như người cao tuổi cô đơn hơn. Bởi con cái thì bận đi làm, cháu thì vùi đầu vào học. Ngày nào mẹ già cũng tựa cửa ngóng con ngóng cháu. Còn ông thì tập tễnh ra đầu ngõ đánh cờ tướng cùng những bạn già. Cũng không biết tự bao giờ người ta hay nói với nhau rằng “trẻ cậy cha, già cậy nhà dưỡng lão”. Cũng không chê nhà dưỡng lão, nhưng với người Việt Nam mình, tự tay chăm nom cha mẹ già đã trở thành đạo lý, cũng là cách trả ơn nghĩa đấng sinh thành.

Nhưng, nói là vậy thôi, còn thì với Việt Nam mình, đạo lý ấy vẫn là mạch ngầm chảy mãi. Hiện cả nước có gần 1,6 triệu người cao tuổi đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng (trong đó gần 1,5 triệu cụ từ 80 tuổi trở lên, hơn 87.000 cụ có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa), hơn 60% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Đất nước còn nghèo, đó là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, cũng là nằm trong chính sách và thể hiện đạo lý của dân tộc.

Nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng rất nhiều để các cụ không cô đơn trong vòng quay gấp gáp của cuộc sống hôm nay - cuộc sống hiện đại khiến người ta vô tình quên đi nhiều thứ mà đáng ra không được phép quên. Cả nước hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Nước ta cũng đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Cuộc sống đi lên, điều kiện ăn uống sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tuổi thọ của người Việt mình cũng ngày một cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với số người cao tuổi cũng sẽ ngày một nhiều hơn. Vấn đề chăm sóc người cao tuổi, không để người cao tuổi cô đơn, để các cụ có được hơi ấm tình thân ngay trong ngôi nhà của mình và tự tin hòa nhập vào xã hội năng động là điều mỗi người phải làm. Theo như dự báo, đến năm 2030 số người cao tuổi sẽ lên đến 17%, và đến năm 2050 sẽ ở mức 25%, có nghĩa lúc đó số người già ở Việt Nam chiếm khoảng 1/4 dân số. Ở các nước phát triển thì phải mấy chục năm, thậm chí cả thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già, nhưng Việt Nam ta chỉ mất 20-22 năm.

Vui vì tuổi thọ người Việt Nam ngày càng cao, các cụ càng sống lâu thì càng để phúc cho con cháu nhưng cũng lại càng thấy trách nhiệm nhiều hơn. Tôi nhớ nhiều lần anh tâm sự ở bên đó rất sợ cô đơn khi về già. Vậy thì, nếu có thể, khi nào đó anh chị hãy về lại quê cha đất tổ. Tin chắc rằng anh chị sẽ có được hơi ấm tình người trong ý nghĩa đồng bào theo đạo lý của dân tộc.
Chúc anh chị khỏe, nhiều niềm vui trong cuộc sống!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư gửi người xa xứ: Không cô đơn trong xã hội hiện đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO