Thu hồi đất trái quy định ở Đắk Nông: Cần giải quyết dứt điểm

Nguyễn Tuấn Kiệt 24/05/2016 07:27

Nhìn lô rẫy của gia đình bị chính quyền xã tự ý thu hồi và phá đi hàng ngàn trụ tiêu để cỏ mọc um tùm không được canh tác gây thiệt hại về kinh tế, nhiều hộ dân thuộc thôn 5 xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức hết sức xót xa… 

Lô đất của gia đình bà Hồng bị xã Quảng Tâm thu hồi trái quy định.

Đã gần 1 năm nay, gia đình ông Phan Bình Phú, bà Lê Thị Hồng, ông Lã Hữu Linh, bà Quách Thị Hòa, ông Phạm Văn Thắng (ở thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã gửi hàng chục lá đơn kiến nghị đến các ban ngành tỉnh Đắk Nông, huyện Tuy Đức và xã Quảng Tâm về việc UBND xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) tự ý ra quyết định thu hồi đất và thành lập đoàn cưỡng chế phá nhiều diện tích hồ tiêu, cây trồng, khiến nhiều người dân lâm vào con đường khốn khó. Đến nay vụ việc này vẫn bặt vô âm tín, người dân vẫn chưa nhận được một lời giải thích thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.

Theo đơn tố cáo của ông Phan Bình Phú, ngày 20-5-2006, ông có nhận sang nhượng lô đất của ông Mông Văn Thắng người cùng thôn có diện tích 3.500m2 tại đồi Sim (thuộc xã Đắk Til, huyện Đắk R’lấp) do gia đình ông Thắng khai hoang từ những năm 2002. Hai bên có làm giấy tờ sang nhượng viết tay. Đến năm 2007, theo chủ trương tách huyện và xã thì lô đất gia đình ông Phú sang nhượng thuộc về địa bàn thôn 5 (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức). Từ năm 2006 đến 2015, mảnh đất này vẫn do gia đình ông Phú canh tác sử dụng không có tranh chấp. Một số diện tích đất xung quanh khu vực này cũng được người dân khai phá và chuyển nhượng cho nhau. Đầu năm 2015, khi giá tiêu lên cao, các hộ dân đã cho dọn dẹp lại nương rẫy và tiến hành trồng tiêu.

Đến tháng 8/2015, ông Phú và các gia đình được nghe thôn trưởng thôn 5 thông báo miệng là xã sẽ di dời tài sản trên diện tích này để lấy lại đất. Ông Phú và các hộ dân chờ đợi xã tổ chức họp dân để nghe chủ trương chính sách thu hồi. Thế nhưng, người dân chờ mãi không thấy có cuộc họp dân nào và không có sự thỏa thuận đền bù giữa người dân và chính quyền, họ vẫn tiến hành canh tác bình thường.

Khi vườn cây đang phát triển tươi tốt, thì bỗng dưng ngày 13/10/2015, ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch xã dẫn đầu đoàn cưỡng chế vào đọc quyết định và cho lực lượng cưỡng chế xã, cùng máy ủi vào nhổ hết trụ và san bằng diện tích tiêu, các cây trồng khác. Trước việc làm không minh bạch này, ông Phú và các hộ đứng ra ngăn cản thì bị đoàn cưỡng chế đuổi ra khỏi vườn tiêu.

Chỉ trong buổi sáng hôm đó, 1.453 trụ tiêu của người dân đã bị chính quyền xã này phá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó xã còn tổ chức cho ủi đường, dựng dây thép gai bao vây lại diện tích đất hơn 3 ha trong khi quy hoạch thao trường mà HĐND xã quy hoạch chỉ chiếm hơn 1,2 ha.

Ông Phú bức xúc: “Đất người dân chúng tôi canh tác bao năm nay, vậy mà ông Trí nói là đất không có chủ, vu cho chúng tôi lấn chiếm đất trái phép rồi cho người tới phá. Nếu họ muốn thu hồi đất của chúng tôi thì cũng phải họp hành cụ thể, có thông báo, có thỏa thuận đền bù xứng đáng. Giờ chúng tôi yêu cầu chính quyền xã phải trả lại đất, đền bù thiệt hại cho các hộ dân chúng tôi. Bởi người dân chúng tôi, sinh sống và làm rẫy ở đây trước khi UBND xã Quảng Tâm thành lập (2007)”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Hợp-Thôn trưởng thôn 5, cho biết: Việc xã thông báo thu hồi đất của người dân chỉ thông báo qua loa phát thanh chứ không tổ chức họp dân. Còn về nguồn gốc diện tích lô đất này thì ông Hợp cho biết, trước khi xã Quảng Tâm thành lập năm 2007 thì đồng bào dân tộc sống ở đây đã tổ chức phát rẫy trồng mì và sang nhượng một phần cho nhiều hộ dân khác.

Trên đất đó người dân đã dựng nhà, canh tác bắp, mì một phần đã được trồng cây cao su. Cũng theo ông Hợp, UBND xã này đã biết diện tích đất này do người dân canh tác từ lâu nay, trước đây khi ông Kiều Qúy Diễn còn làm Chủ tịch xã đã xuống nhờ ông Phú, bà Hồng cho mượn đất làm thao trường cho dân quân xã tập luyện. Còn việc gia đình ông Phú, bà Hồng tổ chức trồng tiêu, cao su thì cả làng này ai cũng biết. Nhiều hộ trong thôn này đi làm công cho ông Phú, bà Hồng chứ họ có không làm lén lút gì cả.

Ông Hoàng Ngọc Thức - Chánh Thanh tra huyện Tuy Đức cho biết: “Thanh tra huyện đã nhận đơn và tổ chức khảo sát hiện trường và tham mưu cho UBND huyện xử lý. Ông Thức cũng cho biết thêm, để thực hiện đúng quy trình thì chính quyền xã muốn lấy lại đất lấn chiếm cần phải có biên bản vi phạm hành chính của người dân; bên cạnh đó xã muốn thực hiện cưỡng chế thì phải được huyện phê duyệt thành phần tham gia đoàn xử lý cưỡng chế mới đúng theo quy định”. Thế nhưng, theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 28-8-2015 của UBND xã Quảng Tâm thì ông Nguyễn Thành Trí tự mình thành lập đoàn xử lý lấn chiếm và ký Quyết định mà không có sự đồng ý hay công văn nào của huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi đất trái quy định ở Đắk Nông: Cần giải quyết dứt điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO