Thu hồi dự án để 'đe' chủ đầu tư

Thư Anh 27/06/2016 12:00

Ngày 17/6/2016, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ 5 ngày sau đó, Hội đồng họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng. Trong phiên họp, nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô được đặt ra, trong đó có việc giải bài toán đầu tư công.

Thu hồi dự án để 'đe' chủ đầu tư

Tích cực đưa dòng vốn đầu tư công vào các dự án để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Có tiền nhưng… khó chi

Tới thời điểm này, vấn đề nợ công đang tạo áp lực lên nền kinh tế, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ. Trong khi đó, việc giải ngân các kế hoạch đầu tư công lại vướng mắc, với tỉ lệ giải ngân thấp.

Trước phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì cuộc họp đột xuất bàn về việc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016 và giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vào chiều 21/6.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tổng vốn đầu tư năm 2016 Quốc hội thông qua là gần 255.000 tỷ đồng. Đến ngày 12/5/2016, Thủ tướng quyết định giao hơn hơn 251.400 tỷ đồng. Trung tuần tháng 6, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng tiếp tục giao hơn 588 tỷ đồng. Như vậy đến hết tháng 6 vốn đầu tư công theo kế hoạch sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao hết cho các Bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo của 45 Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2016, đã giải ngân hơn 83.000 tỷ đồng, chỉ đạt 33,14% vốn kế hoạch. Với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tổng số vốn kế hoạch là 60.000 tỷ đồng và Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 40.600 tỷ đồng.

Tới nay bộ, địa phương mới giải ngân được 15,42%. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, so với khối lượng thực hiện có khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đã thực hiện nhưng chưa được thanh toán giải ngân.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do một số bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016. Các văn bản hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa hoàn thiện, hoặc chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn cho triển khai giải ngân vốn.

Phạm vi, quyền hạn giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa thành lập được ban quản lý dự án chuyên ngành, hoặc khu vực. Ngoài ra là các nguyên nhân đến từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu kém, góp phần gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Trong khi đó lãnh đạo Kho bạc Nhà nước khẳng định kho bạc không thiếu tiền, lúc nào cũng đảm bảo đủ tiền để giải ngân. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư công mới giải ngân được gần 21% kế hoạch (trong khi con số này năm 2015 đạt 33,2%, năm 2014 đạt 34,1%). Giải ngân vốn kế hoạch năm 2015 được phép kéo dài sang năm 2016 tính đến hết tháng 5 cũng mới đạt 133 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn được phép kéo dài là 21.660 tỷ đồng.

Như vậy, thực chất việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm không phải là do thiếu tiền, mà trước hết là do vướng mắc về thủ tục. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các Bộ phải cùng rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn việc thực hiện đầu tư các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng (sửa đổi), đẩy mạnh việc giao vốn và kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư công bảo đảm phát huy tác động của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT nhanh chóng thẩm định các chương trình để Bộ NN-PTNT, Bộ LĐTB-XH có kế hoạch giao vốn cụ thể để sớm triển khai.

“Bắt lỗi” dự án yếu kém

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để bảo đảm tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế. Không loại trừ trường hợp có dự án đầu tư công kéo dài tiến độ, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính “bắt lỗi” các dự án này do năng lực yếu kém và một số vấn đề chủ quan để xử lý, thu hồi vốn đầu tư làm gương cho chủ đầu tư của các dự án khác.

Theo giới chuyên gia, việc việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công là khó chấp nhận, nhất là trong tình trạng chúng ta đang thiếu vốn, nợ công gia tăng. Ở đây có nguyên nhân thuộc về thủ tục hành chính, nhưng quan trọng hơn là quyết tâm thực hiện dự án. Dư luận đã từng lên tiếng gay gắt về các dự án “treo” do thiếu tiền, thì việc “giải ngân treo” là điều khó chấp nhận.

Vì thế, việc “bắt lỗi” các dự án yếu kém không giải ngân đúng tiến độ là rất cần thiết. Với những dự án không khả thi, không có khả năng hấp thụ vốn thì hoàn toàn có thể thu hồi, chuyển sang dự án khác. Chỉ có như thế mới không làm lãng phí nguồn đầu tư công, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi dự án để 'đe' chủ đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO