Thu hút FDI thế hệ mới: Gỡ nút thắt nguồn nhân lực

Minh Phương 03/10/2019 07:23

Một thời gian dài, các doanh nghiệp (DN)  FDI chỉ chú trọng tận dụng nguồn lao động giá rẻ đã làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để đáp ứng được thời kỳ “chuyển đổi số” cũng như đáp ứng những yêu cầu thu hút FDI chất lượng cao, nguồn nhân lực cần phải được cải thiện, không thể mãi phụ thuộc vào gia công giá rẻ.

Thu hút FDI thế hệ mới: Gỡ nút thắt nguồn nhân lực

Cần ưu tiên thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Trường Giang.

Nút thắt ở đâu?

Việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. Và để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đột phá trong công tác đào tạo là yếu tố quan trọng. Thực tế hiện nay cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực hiện còn nhiều hạn chế, thiếu hụt lao động tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.

Con số thống kê của cơ quan chức năng cho hay, có tới 37% lao động được tuyển dụng không đáp ứng được công việc, 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động; nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại lực lượng lao động… Đó là thực trạng cần phải thay đổi nếu Việt Nam muốn nâng sức cạnh tranh cũng như hội nhập thành công.

Hiện nhiều DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam và sử dụng công nghệ hiện đại, song nhân lực của chúng ta lại không đáp ứng được. Điều này được ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam chỉ rõ: “Chúng tôi muốn chuyển giao công nghệ tiên tiến, nhưng rất tiếc, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam lại chưa thể đáp ứng được”.

Không phủ nhận, thu hút FDI thời gian qua đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ cho nền kinh tế. Khu vực FDI đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân Việt Nam.

Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu như năm 1995, cả nước mới có khoảng 33 vạn lao động làm việc trong các DN FDI thì đến năm 2007 tăng lên 1,3 triệu người. Trong giai đoạn 2008-2017, lao động khu vực FDI tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 12%/năm, cao gấp hơn 5 lần mức tăng việc làm chung của cả nước.

Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 14 ngàn DN FDI và các DN này thu hút gần 4 triệu lao động. Bên cạnh đó, các DN FDI còn tạo ra việc làm gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khu vực FDI đã và đang góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao hơn, bao gồm các công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản lý DN. Năm 2017, khu vực FDI đã đào tạo và sử dụng hơn 2,3 triệu công nhân kỹ thuật trong lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị; 680 ngàn thợ kỹ thuật nhiều lĩnh vực khác và gần 340 ngàn nhân viên văn phòng, bảo vệ và bán hàng có kỹ thuật…

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực - Nhu cầu cấp bách

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cũng thừa nhận, trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện các hoạt động gia công để khai thác lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam. Thực tế này đã góp phần không nhỏ làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. “Bởi một khi các DN ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ thấp sẽ không khuyến khích người lao động quan tâm học tập nâng cao trình độ, bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng sẽ không chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của cạnh tranh,nhiều DN phải đổi mới công nghệ nhưng lại gặp khó khăn về nguồn nhân lực” – ông Quân cho hay.

Để có thể thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao cũng như nâng sức cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt đáp ứng với thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Quân cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có chiến lược để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn FDI, đặc biệt là chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Không thể tiếp tục dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, mà cần phải ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn, ngành có giá trị gia tăng cao hơn và để thực hiện mục tiêu này. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải thực hiện một cách căn cơ, bài bản.

Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, nhà quản lý cần sớm triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho đội ngũ công nhân tay nghề thấp để thích ứng với các thay đổi của công nghệ, phù hợp với xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút FDI thế hệ mới: Gỡ nút thắt nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO