Thu hút người tài

Hoài Vũ 29/11/2019 07:30

Thu hút, trọng dụng người có tài năng luôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và chấn hưng đất nước qua các thời kỳ. Tuy nhiên vừa qua khi thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Quốc hội đã không đưa quy định “chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” vào Luật. Do đó chính sách thu hút người có tài vào bộ máy nhà nước lại một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật, lý do được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức rằng: Khái niệm “người có tài năng” là rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi. Bên cạnh đó, phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào Dự thảo Luật đồng thời giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Như vậy “chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” đã chính thức không được luật hóa. Và trước đó khi Quốc hội đang trong quá trình thảo luận, vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH. Theo đó, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng: Hạt giống tốt, đất tốt nhưng cái tâm không tốt thì sao? Có những người vừa giỏi, vừa được tạo môi trường để cống hiến, nhưng cái tâm không hướng về đất nước mà cho cá nhân, lợi ích nhóm thì “không phải là người tài”. Còn ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đưa ra quan điểm: Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nếu bàn quá nhiều về thế nào là nhân tài, trọng dụng nhân tài thì không đúng tinh thần. Hơn nữa, chưa chắc tiến sĩ, thạc sĩ đã là nhân tài. Ở góc độ cá nhân, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã tranh luận và nhìn nhận rằng: Luật pháp phải gắn với ngôn ngữ và thể hiện chính xác khái niệm. Chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người, như người xưa nói “dụng nhân như dụng mộc”. Một công chức khó có thể phát hiện ra điều gì kiệt xuất, vì họ phải thực hiện theo luật pháp, theo quy trình rõ ràng. Do đó đánh giá con người phải thể hiện ở chính sách đãi ngộ.

Hiện nay đất nước đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại FTAs thế hệ mới, cũng như hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó yếu tố chất lượng cao của nguồn nhân lực được đặt lên vị trí hàng đầu nhất là trong bộ máy hành chính Nhà nước bởi đây là nơi đề xuất những chính sách. Nếu không có người tài, e rằng khó có thể có quyết sách trúng. Mặt khác dù thời gian qua nhiều bộ, ngành và địa phương đã mạnh dạn ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc ở các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên các chính sách này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn, chưa phát hiện đúng và thu hút được nhiều người có năng lực, trình độ vào làm việc trong nền công vụ. Như Đà Nẵng bỏ cả trăm tỷ đồng đưa nhân tài đi nước ngoài đào tạo nhưng nhiều người sau khi tốt nghiệp không chịu về công tác như cam kết, nhiều người đã làm việc tại nước ngoài và trả lại tiền đào tạo cho Nhà nước.

Ngay sau khi “chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” không được vào luật hóa vào trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã tỏ ra “tiếc nuối”, song theo ông hiện Chính phủ đã có Nghị định số 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc cho nên nếu thực hiện tốt chính sách “trải thảm đỏ” chúng ta sẽ kêu gọi được người có tài năng vào làm việc trong bộ máy nhà nước.

Cũng xin được nói thêm rằng, muốn thu hút trước tiên là phải phát hiện được người có tài năng, cho nên bên cạnh những quy định tuyển dụng thông thường cần các “kênh” để thu hút các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trên thế giới, cũng như đội ngũ trí thức các chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào. Điều đó nằm ở chính sách “trải thảm đỏ” và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thu hút và trọng dụng người tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút người tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO