Thu hút nguồn lực từ bên ngoài

Hoài Vũ (thực hiện) 29/08/2016 07:20

Đó là vấn đề được Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh khi trao đổi với Đại Đoàn Kết.

Thu hút nguồn lực từ bên ngoài

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn.

Ông Sơn cho rằng, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi Hiệp định kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10 tới. Cùng đó, với gần 5 triệu kiều bào ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nếu chúng ta phát huy tốt thì đất nước sẽ có thêm nhiều nguồn lực phát triển.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cũng bày tỏ ủng hộ khi báo ĐĐK tổ chức cuộc thi “Cựu quân nhân Nga và kỷ niệm đáng nhớ về Việt Nam”.

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, gần một thế kỷ Việt Nam đã có quan hệ với Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay. Trong lúc bạn đang gặp khó khăn bởi cấm vận của Mỹ và liên minh châu Âu, thì ta đã có 2 nhà đầu tư vào Nga để hỗ trợ, giúp bạn tăng cường thêm sản phẩm nội địa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Trong đó có Hãng sữa TH true milk của Việt Nam đang đầu tư rất hiệu quả. Khi Nga đang có những khó khăn nhất định thì chúng ta bù cho bạn một phần nào những khó khăn đó, tức là chúng ta chia sẻ với bạn những khó khăn. Hợp tác giữa Việt Nam - LB Nga có thể nói vẫn là hợp tác truyền thống và chiến lược toàn diện.

Thời gian tới, hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga cần phải được tiếp tục củng cố, tăng cường và toàn diện. Không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, quân sự mà còn ở ngoại giao nhân dân, để cùng nhau phát triển, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Nga.

PV: Vậy làm sao để thúc đẩy cán cân thương mại giữa Việt Nam - LB Nga, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Ngày 29/5/2015 Việt Nam và LB Nga đã ký Hiệp định liên minh kinh tế với LB Nga và một số quốc gia, đó là Liên minh kinh tế Á-Âu. Với việc ký kết gia nhập liên minh này ta đã có sân chơi, một thị trường rộng lớn trên 200 triệu dân và khả năng vào thị trường này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so các thị trường như Mỹ, hay EU.

Việc ký kết Hiệp định Liên minh kinh tế Á-Âu và ta là một thành viên sẽ mở ra rất nhiều khả năng mới để có thể hội nhập, nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường này.

Ông hy vọng gì cho hàng hóa của Việt Nam khi Hiệp định Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực?

- Khi Hiệp định Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực vào tháng 10, các doanh nghiệp của ta có thể xâm nhập vào thị trường của các nước trong Liên minh, đặc biệt là Nga, Belarus, Kazakhstan....

Doanh nghiệp đứng trước một thuận lợi rất lớn nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức không dễ dàng. Ở một thị trường dễ tính hơn so với EU và Mỹ nhưng lại đòi hỏi những yêu cầu nhất định về thủ tục hành chính về kiểm dịch, chất lượng với một số sản phẩm nông nghiệp. Cho nên thời gian tới đây hy vọng nhiều mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản, các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp nhẹ của ta sẽ có thương hiệu và đứng vững trên thị trường của các nước liên minh Á-Âu.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến việc khai thác nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế xã hội trong nước. Chúng ta cần làm gì để thực hiện chỉ đạo này?

- Tận dụng nguồn lực ở bên ngoài có mấy yếu tố. Một là kêu gọi các nguồn đầu tư, tìm các nguồn đầu tư qua kênh FDI hoặc là ODA, hoặc viện trợ không hoàn lại, hay qua các kênh hỗ trợ đầu tư của kiều bào ta ở nước ngoài.

Tất cả các kênh đó hiện nay chúng ta đang làm rất tốt, tùy từng khu vực để mà triển khai hoạt động này. Kêu gọi đầu tư vào Việt Nam đang là một thuận lợi, tuy nhiên một số rào cản về thủ tục hải quan cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, chính sách thuế cần tiếp tục cởi mở hơn và có những chính sách rộng rãi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.

Hiện nay ta đang cần vốn, công nghệ mới. Mà muốn có vốn, công nghệ thì phải có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư.

Vì chính sách thu hút đầu tư cũng là một chính sách cạnh tranh rất lớn giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Ví dụ như Trung Quốc, Lào, Campuchia, hay các nước trong ASEAN họ đang có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào quốc gia của họ. Lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước đặt lên trên hết do đó phải có chính sách cởi mở, có chính sách thu hút vốn và công nghệ mới.

Tới nay, cộng đồng người Việt ở trên khắp thế giới, gần 5 triệu người. Chúng ta phải coi sức mạnh cộng đồng là nội lực, vì vậy cũng phải có chính sách cởi mở. Nếu ở đâu đó còn cái nhìn chưa thông cảm, cơ chế chính sách chưa thông thoáng, chưa thu hút được bà con ở nước ngoài thì đó cũng là một thiệt thòi cho đất nước. Bởi năm 2015 tổng giá trị kiều hối đưa về Việt Nam là 12,5-13 tỷ USD.

Nếu những năm tới đây chúng ta không có chính sách tốt, biến Nghị quyết của Đảng thành hành động thực sự thì chúng ta sẽ bị giảm đi nguồn lực này. Và đây cũng là nguồn lực rất đáng kể mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý trong bài phát biểu của mình hôm khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Trân trọng cảm ơn ông!

ĐSQ Việt Nam tại Liên bang Nga đồng hành cùng Đại Đoàn Kết tổ chức cuộc thi “Cựu quân nhân Nga và kỷ niệm đáng nhớ về Việt Nam”.

Về việc Báo Đại Đoàn Kết sẽ tổ chức một cuộc thi dành cho các cựu chiến binh người Nga, những sĩ quan quân nhân Nga đã từng góp phần xương máu cuộc đời vào cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng,đây là việc làm tốt, phải làm ngay, và Đại Đoàn Kết nên kết hợp với Đại sứ quánViệt Nam tại Nga để làm to hơn. Đây cũng là cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong nước, đền ơn đáp nghĩa.

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, khi tiếp xúc với các quân nhân tại Nga, những người đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến cứu nước của Việt Nam họ rất có tình cảm. Không những là tình cảm yêu mến, yêu quý đất nước ta mà họ khâm phục thực sự khi tận mắt nhìn thấy những khó khăn gian khổ, đau thương mất mát mà ta đã trải qua và họ là những người trực tiếp chứng kiến. Chúng ta phải tri ân họ, cũng như đối với các thương bệnh binh, cựu chiến binh trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút nguồn lực từ bên ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO