Thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

H.Vũ (thực hiện) 20/03/2023 07:00

Tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đối thoại với thanh niên về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga.

PV:Thưa bà, bà đánh giá thế nào về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0” sẽ được Thủ tướng đối thoại với thanh niên tới đây?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng đây là một chủ đề rất hay và trúng. Bởi Việt Nam đang tập trung cho phát triển nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, trong đó thanh niên là nguồn nhân lực của hiện tại và tương lai. Trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ năm 2022 tôi rất quan tâm tới chỉ số duy nhất mà chúng ta không đạt được trong 15 chỉ tiêu đề ra, đó là chỉ số năng suất lao động. Năng suất lao động liên quan mật thiết đến chất lượng nguồn nhân lực. Vì chất lượng nguồn nhân lực chưa cao nên năng suất lao động chưa được cải thiện.

Bởi vậy trong thời gian tới để đạt được tất cả các chỉ tiêu của giai đoạn 5 năm, 10 năm và tiến đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, trước tiên chúng ta cần quan tâm cải thiện năng suất lao động. Muốn vậy cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ.

Bên cạnh đó, muốn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thì không thể tách rời việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại kỷ nguyên số. Muốn có Chính phủ số, xã hội số phải có các “công dân số”. Đây là xu hướng chung của toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Thanh niên là lực lượng nhanh nhạy, sáng tạo nhưng họ dùng công nghệ vào trong lĩnh vực gì lại là điều đáng quan tâm. Giới trẻ nước ta có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ nhưng phần lớn họ sử dụng vào mục đích giải trí, chứ chưa tìm tòi để ứng dụng vào khoa học kỹ thuật, cải tiến sản xuất, hay tìm tòi nghiên cứu khoa học. Đây là “điểm yếu” cần được biến thành “điểm mạnh”. Bởi vậy, chủ đề được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn lần này để đối thoại với thanh niên có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Thực tế, lao động là thanh niên qua đào tạo đang chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí thấp hơn trung bình tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước. Điều đó cho thấy nguồn lực đóng góp của thanh niên vẫn chưa được phát huy, thưa bà?

- Số lượng lao động của Việt Nam được qua đào tạo vẫn còn thấp, trong đó lực lượng lao động phần lớn là thanh niên. Đã vậy, số lượng lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ còn thấp hơn nữa, kém xa nhiều nước trong khu vực. Đó là còn chưa nói trong số được cấp chứng chỉ có bao nhiêu % là lao động có kỹ năng tốt. Bởi theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam, họ vẫn phải đào tạo lại.

Muốn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực chúng ta phải đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nghề nghiệp. Không đẩy mạnh đào tạo khó có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về đào tạo có thể tự đào tạo hoặc đào tạo qua trường lớp. Đây là vấn đề chúng ta cần ưu tiên tập trung trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay theo bà làm sao phát huy được vai trò của thanh niên?

- Muốn phát huy vai trò của thanh niên, việc đầu tiên phải làm cho thanh niên nhận thức một cách đúng đắn và sâu sắc về vai trò của chính bản thân mình. Nếu họ chưa nhận thức được vai trò của bản thân mình đối với Tổ quốc thì cố gắng đến mấy cũng khó có thể phát huy. Cho nên công tác tuyên truyền phải bằng nhiều biện pháp khác nhau để cho tầng lớp thanh niên nhận thức rõ ràng, sâu sắc về trách nhiệm của mình, thậm chí là sứ mệnh của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Từ đó sẽ thúc đẩy ý thức của thanh niên tham gia vào các hoạt động của đất nước.

Trong Luật Thanh niên đã đề cập đến những chính sách thu hút nhân tài với những sinh viên có năng lực và thành tựu nghiên cứu khoa học. Chính sách đã có nhưng theo bà làm sao có thể thu hút được nhân tài?

- Chúng ta đã có nhiều quy định về thu hút nhân tài, đặc biệt là thanh niên. Ví như thu hút các sinh viên tốt nghiệp có thành tích xuất sắc, có nhiều sáng kiến, công trình nghiên cứu vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Thế nhưng chính sách thu hút chưa đủ mạnh, chưa thực sự thiết thực với người trẻ. Tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra khó có thể hấp dẫn bằng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như tiền lương hàng tháng, tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân họ trả cao gấp 10 lần khu vực Nhà nước. Vậy chúng ta thu hút bằng tiền liệu có hợp lý? Đây là vấn đề cần suy nghĩ lại.

Tôi cho rằng mấu chốt quan trọng nhất để quyết định người tài, người trẻ có làm việc trong khu vực công hay không chính là môi trường làm việc. Môi trường làm việc phải thực sự coi trọng nhân tài, minh bạch trong việc cất nhắc, bổ nhiệm thì mới thu hút được người tài cống hiến.

Người trẻ cần môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp, để họ cống hiến. Và cũng cần lắng nghe những sáng kiến hay, những góp ý của họ. Như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thống kê có những sáng kiến rất hay của những công nhân trực tiếp sản xuất có đóng góp rất lớn trong việc cải thiện năng suất lao động. Nếu chúng ta phát huy được trí tuệ ở khu vực đó thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cải thiện năng suất lao động là rất lớn. Và các lĩnh vực khác cũng vậy, đặc biệt là tại các cơ quan Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO