Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Duy Hưng 22/06/2015 16:49

Trong khuôn khổ Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức tại tỉnh Nam Định, nhằm giúp cán bộ, nhân dân địa phương nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo, chiều 22-6, tại trụ sở Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh, Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng đã có buổi thuyết trình với chủ đề “Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa

Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Tiến Sỹ Trần Đức Anh Sơn thuyết trình về các thư tịch,
bản đồ cổ về Trường Sa, Hoàng Sa

Theo Tiến Sỹ Trần Đức Anh Sơn, đầu thế kỷ 16, các nhà hang hải Bồ Đào Nha đã đến biển Đông trong hành trình khám phá châu Á. Họ đã khảo sát, ghi chép và vẽ bản đồ về lãnh thổ của các vương quốc ở ven bờ biển Đông và những hòn đảo nằm ngoài khơi của các vương quốc này. Họ đã định danh Pracel (hay Prarcel) cho chuỗi đảo nằm ngoài khơi vương quốc Cochinchina hay Annam (Đàng Trong), bao gồm cả quần đảo mà sau này họ gọi là Spratly Islands, tức quần đảo Trường Sa và đặt tên cho quần đảo lớn nhất nằm ở cực bắc Pracel là I.des baixos Cachina hay I.da Pracell, chính là quần đảo mà người Việt đương thời gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa…

Cũng theo Tiến sỹ Sơn, tiếp sau các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, các nhà quân sự, giáo sỹ, thương nhân của Hà Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…đã tìm đến đây tìm kiếm thị trường, giao thương, truyền giáo. Ngoài ra, họ cũng đo vẽ, thực hiện và xuất bản nhiều hải đồ, bản đồ về châu Á, Đông Nam Á và biển Đông, trong đó có có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng những hòn đảo khác dọc theo bờ biển Việt Nam.

Tiến sỹ cho hay, hơn 100 tài liệu thư tịch nước ngoài ông thu thập được có viết về quần đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đó là những tập nhật ký hằng hải của thủy thủ đoàn; những hồi ký, du ký, tập ghi chép của những nhà thám hiểm địa lý; thư từ của các giáo sỹ, sách giáo khoa địa lý; từ điển bách khoa về địa lý thế giới; các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa dư vùng Châu Á-Thái Bình Dương của các học giả phương Tây, có liên quan đến Việt Nam-Biển Đông-Hoàng Sa-Trường Sa, được in ấn bằng các ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan...

Về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các tài liệu này tập trung ghi chép miêu tả địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu; nhận thức của người phương Tây đương thời về quần đảo này (Hoàng Sa). Đặc biệt, đã ghi nhận người Việt đã từng đến đây đánh bắt hải sản, thu nhặt hàng hóa từ các tàu bè bị đắm trong vùng biển này, khai thác yến sào…từ thế kỷ 17 trở đi. Ngoài ra, còn ghi nhận mối quan hệ về mặt địa lý giữa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với phần lãnh thổ ở bờ phía tây của biển Đông, nay là miền Trung Việt Nam. Đặc biệt, các tài lệu đã ghi nhận Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

“Các thư tịch và bản đồ cổ này đã góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác ở Biển Đông”, Tiến sỹ Sơn khẳng định.

Ngoài phần thuyết trình của Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam) có phần trình bày với chủ đề “Tình hình chanh chấp chủ quyền biển trên biển Đông, chủ trương và đối sách của giải quyết tranh chấp biển đảo của Đảng và Nhà nước ta”; GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày chuyên đề “Biển Đông Việt Nam: quá trình nhận thức và khai chiếm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO