Thủ tục chứng minh quan hệ thân nhân di sản thừa kế

PV (theo VGP) 27/06/2018 15:00

Bố của ông Ngô Thanh Hùng (Kiên Giang) đã chết, không để lại di chúc. Nay gia đình ông muốn làm thủ tục thỏa thuận sang tên sổ đỏ cho mẹ ông, văn phòng công chứng yêu cầu cung cấp Giấy chứng tử của ông bà nội. Tuy nhiên, đất này do bố của ông Hùng mua, không phải ông, bà nội để lại.

Ông Hùng hỏi, văn phòng công chứng yêu cầu giấy tờ nêu trên có cần thiết không? Trường hợp không có giấy chứng tử của ông bà nội thì gia đình ông phải làm thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:

Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản của người chết để lại được gọi là di sản.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản ghi lại nội dung mà những người thừa kế thỏa thuận phân chia di sản của người chết để lại. Đây là trường hợp được áp dụng cho việc phân chia thừa kế mà không có tranh chấp giữa những người được thừa kế.

Theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng năm 2014, những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Cần thiết xác định người còn sống, người đã chết

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Để bảo đảm quyền lợi cho người thừa kế theo pháp luật, không bỏ sót người thừa kế cùng hàng thừa kế, cần thiết phải xác định rõ người được pháp luật quy định là cùng hàng thừa kế còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; cần thiết phải xác định rõ người được pháp luật quy định là cùng hàng thừa kế nhưng đã chết trước thời điểm mở thừa kế.

Khi thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, người được pháp luật quy định là người cùng hàng thừa kế còn sống, hay đã chết là cần thiết để phòng ngừa phát sinh tranh chấp thừa kế.

Đối với di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp ông Ngô Thanh Tùng phản ánh, cha ông chết không để lại di chúc. Phần tài sản của cha trong khối tài sản chung với mẹ, là quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, sau khi chết trở thành di sản thừa kế của cha. Những người thừa kế theo pháp luật của người cha yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, có nội dung tặng cho toàn bộ phần di sản của cha mà mỗi người thừa kế được hưởng cho mẹ.

Việc công chứng viên yêu cầu trong hồ sơ phải có Giấy chứng tử của ông, bà nội ông Tùng (cha, mẹ của người để lại di sản) là cần thiết, nhằm chứng minh cha, mẹ của người để lại di sản chết trước hay chết sau thời điểm mở thừa kế, có được hưởng di sản của con để lại không?

Trường hợp ông, bà nội của ông Tùng (cha, mẹ của người để lại di sản) đã chết từ lâu, khi chết người thân không thực hiện thủ tục đăng ký khai tử, không có giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử, thì người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản có thể cung cấp cho công chứng viên các giấy tờ thay thế khác để chứng minh cha, mẹ của người để lại di sản đã chết, thời điểm chết, như: Ảnh chụp bia mộ nơi an táng người đã chết, có xác nhận của Ban quản lý nghĩa trang và UBND cấp xã nơi có nghĩa trang về người chết, thời điểm chết; hoặc Lý lịch Đảng viên có xác nhận của tổ chức Đảng; hoặc Lý lịch cán bộ công chức có xác nhận của cơ quan, đơn vị; hoặc Lý lịch cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã, trong đó có nội dung về cha, mẹ của người để lại di sản đã chết, thời điểm chết…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục chứng minh quan hệ thân nhân di sản thừa kế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO