Thủ tục hành chính: Vì dân mà cải cách

Lục Bình 08/08/2015 20:54

Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần vì dân, vì doanh nghiệp mà cải cách.

Thủ tục hành chính: Vì dân mà cải cách

Ảnh minh họa

Nguồn: thanhtra.com.vn

Ngành nông nghiệp cắt giảm mạnh thủ tục hành chính

Thời gian qua, ngành nông nghiệp, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà và chi phí cho nông dân cũng như doanh nghiệp (DN). Cục Bảo vệ thực vật đã giảm được tới 27 TTHC.

Các TTHC đã bãi bỏ là hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu giảm từ 8 loại giấy tờ xuống còn 3 loại, thời gian làm thủ tục giảm từ 24 giờ xuống còn 4 giờ đối với đường bộ và đường hàng không. Đáng chú ý, Cục cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ 7 loại lệ phí liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ…

Dù đã quyết liệt đơn giản hóa các TTHC như vậy, nhưng ở một số lĩnh vực khác, nhất là công tác thú y, TTHC cũng như các khoản phí, lệ phí vẫn còn nhiều. Thông tư 04/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, dù có bãi bỏ 31 mục thu phí, lệ phí thì vẫn còn một “rừng” các loại phí khác.

Thừa nhận có nhiều loại phí kiểm dịch kiến “một quả trứng gà cõng không biết bao nhiêu loại phí”, ông Phạm Văn Hưng- Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT) cho biết, còn quá nhiều loại phí kiểm dịch thú y đang tồn tại hiện nay. Dù vậy, ngân sách nhà nước chưa thể cấp đủ cho hoạt động của thú y cơ sở nên vẫn phải giữ lại một số loại phí kiểm dịch.

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, tới đây ngành nông nghiệp sẽ triển khai quyết liệt. Theo ông Phạm Văn Hưng, hiện Bộ NNPTNT đã đang tiếp tục rà soát các loại phí để giảm tối đa cho DN và người dân.

“Một số loại phí sẽ được chuyển sang cơ chế giá, còn một số vẫn phải thực hiện. Những khâu, sản phẩm nào đã có phí rồi thì sẽ bỏ bớt lệ phí và cân đối ngân sách Nhà nước để làm bù cho nhiệm vụ đó, còn DN và người dân không phải nộp để giảm bớt giá thành chăn nuôi”- ông Hưng cho hay.

Về nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm rõ đã đơn giản hóa TTHC thật hay chưa, tránh tình trạng cắt giảm ở chỗ này nhưng “phình” chỗ khác. Bộ trưởng cũng phê bình nhiều đơn vị “ôm” các dịch vụ công, không muốn xã hội hóa để thu tiền; yêu cầu cải cách TTHC trong nông nghiệp phải hướng đến người dân và DN.

Khắc phục tình trạng “câu giờ”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai kết nối và mở rộng đối với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, hoàn thành thủ tục phê duyệt và ký kết Nghị định thư để thực hiện cơ chế một cửa ASEAN.

Rất nhiều điểm sáng trong thực hiện công cuộc CCTTHC như, Tổng cục Hải quan đã chính thức mở rộng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia giúp số giờ nộp thuế của DN đã giảm trên 50 giờ (từ 167 giờ/năm xuống còn dưới 117 giờ/năm), đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đề ra là giảm số giờ nộp thuế xuống còn dưới 121,5 giờ/năm…

Tương tự, tại Bộ Công thương cũng thực hiện bước đi cụ thể trong thực hiện Nghị quyết 19, qua đó đã công bố và khai trương quy trình thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng nhằm giải quyết “gánh nặng” về thủ tục cho các DN xuất nhập khẩu…

Đặc biệt, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương với nhiều cách làm mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho người dân và DN theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Đến nay đã có khoảng 50% số quận, huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.

Dù đạt nhiều kết quả đáng mừng nhưng ông Trương Chí Trung đã thừa nhận: Thói quen và tư duy cũ của nhiều cán bộ, công chức đang là lực cản CCHC. Trách nhiệm thực thi công vụ của nhiều cán bộ, công chức chưa cao.

Lấy ví dụ về sự tắc trách này của cản bộ ông Trung cho biết, dù đã áp dụng công nghệ thông tin để thống kê các DN nộp thuế nhưng cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm nên đã dẫn đến lỗi, phải xin lỗi DN.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CCHC mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với các Bộ, ngành, địa phương: phải đặc biệt quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân; thực hiện nghiêm việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là những công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết TTHC cho người dân, DN theo tinh thần vì dân mà cải cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục hành chính: Vì dân mà cải cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO