Thủ tục thuế, hải quan: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Lê Anh 05/10/2015 00:58

Thuế và hải quan phải là hai lĩnh vực được ưu tiên có cơ chế cải cách đầu tiên, tiếp đến là cải thiện môi trường đầu tư cũng như sự minh bạch hóa về thị trường,... Các ý kiến được nêu ra tại Tọa đàm tham vấn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam do ĐH Kinh tế TP HCM vừa tổ chức tại TP HCM.

Thủ tục thuế, hải quan: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Làm thủ tục hải quan. Ảnh:Hồng Phúc.

Chuyên gia tài chính Nhà nước - PGS.TS Sử Đình Thành nhận định, bối cảnh hội nhập đang đặt ra yêu cầu cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có hai trụ cột quan trọng là lĩnh vực thuế và hải quan. Tuy nhiên, cải cách các lĩnh vực này không đơn thuần là bỏ bớt các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, mà còn phải bỏ đi các chi tiêu rườm rà, cải tiến các tờ khai theo hướng đơn giản hóa, cũng như ứng dụng CNTT mạnh mẽ.

Theo báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh mới nhất của WB thì Việt Nam xếp hạng 78/189 nền kinh tế, tụt 6 bậc so với năm 2014, qua đó chỉ ra một loạt vấn đề về tác động của các quy định chính sách, pháp luật của nhà nước đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thậm chí, các báo cáo đã đo lường được mức độ phức tạp của các chi phí không chính thức tác động đến nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu do PGS.TS Sử Đình Thành đứng đầu, cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực hải quan khiến thời gian thông quan hàng hóa còn quá dài. Cụ thể, thời gian làm thủ tục của cơ quan hải quan chỉ chiếm 28%, tức khoảng 3 – 4 ngày (bao gồm thời gian tiếp nhận, kiểm tra, phân lường tờ khai, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa). Trong khi đó, phần lớn thời gian còn lại phụ thuộc vào kết quả kiểm tra của các cơ quan cấp phép, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, chiếm đến 50 – 60% thời gian thông quan hàng hóa.

Tham nhũng trong lĩnh vực hải quan là vấn đề rất nhức nhối khi WB xếp ngành hải quan đứng thứ 3 trong số 22 ngành được khảo sát về mức độ trầm trọng của mức độ tham nhũng, chỉ sau các lĩnh vực giao thông và địa chính. Trong đó, có ít nhất 30% DN tham gia khảo sát cho rằng, đã từng bị cơ quan hải quan gây khó khăn khi sử dụng dịch vụ công do cơ quan này cung cấp. Do đó, để thuận tiện cho công việc, có đến 33% DN phải chịu thanh toán các khoản không chính thức cho cơ quan thuế.

Các ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, việc hạch sách các vấn đề liên quan đến hồ sơ giấy tờ để đòi lấy hối lộ sẽ làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây cản trở quá trình mua bán hàng hóa với các quốc gia khác.

Thêm nữa, việc trì hoãn giải phóng hàng hóa với lý do hàng hóa xuất nhập khẩu và tờ khai hải quan không trùng khớp là chiến thuật thường được cán bộ hải quan sử dụng để moi tiền từ DN.

“Nếu không có biện pháp cải thiện thủ tục quản lý thuế và hải quan thì các DN trong nước có thể gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa đối với các đối tác trong khu vực”, PGS.TS Sử Đình Thành cảnh báo.

Ngoài thuế và hải quan, TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP HCM) chỉ ra những biểu hiện bất thường trong môi trường kinh doanh Việt Nam, trong đó nổi cộm là quy mô kinh doanh nhỏ; “văn hóa rượu bia” và chi phí tiếp khách trong kinh doanh khá lớn.

Theo TS Hảo, các biểu hiện bất thường nêu trên dẫn đến hệ quả là việc rủi ro cao trong thực thi hợp đồng, khiến cho doanh nhân Việt gặp khó khăn khi liên kết hợp tác làm ăn quy mô lớn và cần nhiều thời gian, chi phí và cách thức khác nhau để thẩm định đối tác.

TS Trần Huỳnh Thanh Nghị dẫn chứng trường hợp cụ thể trong chính sách bất động sản, mà nổi cộm là bất cập, xung đột giữa luật kinh doanh bất động sản với các luật nhà ở và luật đất đai. Trong đó đến thời điểm hiện tại thì quy định về giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai cũng còn gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Điển hình là thời gian qua tại TP HCM nhiều chủ đầu tư phản ánh quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, các trường hợp chủ đầu tư đang thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng gặp khó khăn nhiều nhất.

Mới đây nhất, UBND TP HCM đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần có hướng dẫn đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành các nghĩa vụ với chủ đầu tư và ngân hàng sẽ đại diện cho chủ đầu tư thu hồi số tiền mà người mua còn giữ lại để chờ khi nhận được giấy chứng nhận sẽ trả hết theo hợp đồng.

Mặt khác, việc cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đối với phần tài sản còn lại thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư cũng cần được xem xét để thay thế tài sản thế chấp (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…) mà ngân hàng đang lưu giữ.

Trước những vấn đề bất cập kể trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị đến cuối 2015 phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, phấn đấu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 đối với một số thủ tục, như: thành lập DN, nộp thế, tiếp cận điện năng, giải quyết phá sản, thủ tục xuất nhập khẩu,…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục thuế, hải quan: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO