Thủ tướng gặp công nhân

Bắc Phong 11/06/2022 07:19

Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Được biết, chuẩn bị cho buổi gặp gỡ, đối thoại, cơ quan chức năng đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề. Trong đó nổi lên những vấn đề thiết thực với đời sống của công nhân, như lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), giải quyết các chính sách cho người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do Covid-19; nhà ở, trường học hỗ trợ đời sống công nhân; hỗ trợ tín dụng cho công nhân để hạn chế tình trạng vay "tín dụng đen"...

Đây đều là những vấn đề nóng mà công nhân mong muốn được nghe từ chính Thủ tướng Chính phủ. Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến 2 vấn đề: Một là, lương tối thiểu khi làm thêm giờ. Và hai là rút BHXH một lần, vì đây là những vấn đề đang gây sự chú ý nhất đối với người lao động.

Về lương tối thiểu cho một giờ làm thêm, một cách dễ hiểu là nếu người công nhân được yêu cầu làm thêm 1 giờ thì sẽ được người sử dụng lao động trả bao nhiêu tiền.

Theo dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính theo giờ, thì sẽ chia theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ. Đây là mức quy định chi trả quá thấp, không sát với thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng nó còn kém xa so với 1 giờ công của người làm công việc dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay thì thực tế sẽ không có nhiều ý nghĩa giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày của công nhân lao động.

Về việc rút BHXH một lần. Vì sao thời gian gần đây có quá nhiều người lao động đã không đợi đến lúc được hưởng chế độ hưu trí đầy đủ mà lại rút BHXH? Cho dù cơ quan bảo hiểm tìm mọi cách giải thích thiệt hơn nhưng vẫn không ngăn được làn sóng ấy. Không lẽ người lao động không biết thế nào là thiệt, thế nào là lợi cho chính mình? Họ biết nhưng đã bị đặt trong tình thế buộc phải lựa chọn là rút BHXH một lần.

Có thể nêu ví dụ: Một công nhân hiện có mức lương 6 triệu đồng một tháng. Nếu căn cứ theo mức tính lương hưu hiện nay là 45%, thì số tiền nhận được mỗi tháng là vỏn vẹn 2,7 triệu đồng, tức là thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố (3,8 triệu đồng một tháng).

Về đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm hoặc 10 năm sẽ được lĩnh lương hưu, nhiều người cho rằng điều đó là tích cực, nhưng không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý. Nguyên tắc là đóng cao, lâu năm thì hưởng mức BHXH cao, đóng thấp, ít năm thì hưởng ít, vì tiền đó là tiền người lao động không phải là tiền của cơ quan BHXH.

Thực tế thì với lao động nặng nhọc vất vả, lao động nữ trên 40 và nam trên 50 tuổi thì đã thất nghiệp vì không doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động lớn tuổi. Chẳng lẽ lúc đó lại phải chờ 12 năm nữa (với nam) để được hưởng đủ 75% lương khi về hưu? Vì thế, quan trọng để người lao động không rút BHXH một lần ảnh hưởng tới cuộc sống của họ khi về già, thì cùng với việc rút thời gian đóng bảo hiểm xuống còn 10 năm thì cũng cần rút tuổi được nghỉ hưu xuống cho cả nam và nữ. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 10 năm sẽ được lĩnh lương hưu, nhưng tuổi nghỉ hưu không giảm là vô lý.

Trở lại với việc Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân vào ngày 12/6; trước đó, ngày 29/5, Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại với nông dân. Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng nói: “Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực làm việc. Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên".

Như vậy là chỉ trong vòng nửa tháng, Thủ tướng đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nông dân, công nhân. Điều đó cho thấy sự sâu sát của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời đem đến nhiều hy vọng cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng gặp công nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO