Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Khách mời đặc biệt tại WHA73

Theo TTXVN 20/05/2020 08:00

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đại hội đồng với tư cách Khách mời đặc biệt và tham gia phát biểu tại phiên bế mạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Khách mời đặc biệt tại WHA73

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN).

Phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA73), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức, đã diễn ra trực tuyến trong 2 ngày 18-19/5, với sự tham gia đông đảo của đại diện 194 quốc gia thành viên, quan sát viên và các tổ chức quốc tế.

Phiên họp cũng đã có sự tham dự, phát biểu của 15 khách mời đặc biệt là Tổng Thư ký Liên hợp quốc, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước Nam Phi, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Barbados, Colombia, Paraguay, Bhutan, Tây Ban Nha, Italy, Tuvalu, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, với thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cũng như vị thế của Việt Nam là nước giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đại hội đồng với tư cách Khách mời đặc biệt và tham gia phát biểu tại phiên bế mạc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch, cần có kế hoạch phát triển hậu Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chương trình nghị sự của kỳ họp trực tuyến WHA 73 đã được rút gọn tối đa, chủ yếu tập trung vào chủ đề chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như nỗ lực, đóng góp của các nước.

Lãnh đạo các nước đã đề cao hợp tác quốc tế, bày tỏ cam kết mạnh mẽ, sẵn sàng hỗ trợ WHO và thế giới chống lại đại dịch, đặc biệt cam kết sẽ đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với điều trị và vắcxin khi được phát triển thành công.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường đóng góp tài chính ủng hộ nỗ lực chung ứng phó dịch COVID-19; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tài chính bền vững cho WHO; cần thực hiện đánh giá, rút bài học từ việc ứng phó dịch COVID-19 để bảo đảm không để xảy ra tình trạng dịch bệnh tương tự trong tương lai; kêu gọi các nước ủng hộ cải tổ, cập nhật các khuôn khổ quy định y tế hiện tại, cụ thể là Điều lệ Y tế Quốc tế 2005 (IHR -International Health Regulations) theo hướng thiết lập các biện pháp ràng buộc pháp lý đối với các nước thành viên; bảo đảm vắcxin là tài sản công toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết quốc tế, khẳng định không nên thành lập các cơ chế, tổ chức mới mà cần tập trung nâng cao vai trò, thúc đẩy năng lực của các cơ chế, tổ chức hiện có, bao gồm WHO.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Khách mời đặc biệt tại WHA73 - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp trực tuyến Khoá 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới. (Ảnh: TTXVN).

Tổng Giám đốc cũng kêu gọi các nước cần nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị và thực hiện các biện pháp cần thiết để không bao giờ để tái diễn tình trạng dịch bệnh tương tự; đẩy mạnh và nâng cao các khuôn khổ quy định, công cụ y tế hiện có bao gồm IHR 2005, trong đó có thể xem xét đối với đề xuất của các nước châu Phi về xây dựng quy trình rà soát định kỳ về năng lực ứng phó, chuẩn bị của các nước thành viên vào IHR.

Ông khẳng định WHO ủng hộ và cam kết minh bạch, có trách nhiệm, nỗ lực hoàn thiện trong quá trình đánh giá các biện pháp ứng phó đại dịch.

WHA 73 đã thông qua nghị quyết về ứng phó đại dịch Covid-19 do EU khởi xướng, thể hiện nỗ lực và sự đoàn kết của các nước khi cùng phải đối mặt với thách thức chung.

Ngoài việc kêu gọi bảo đảm tiếp cận và phân phối công bằng, kịp thời các công nghệ, sản phẩm y tế cần thiết ứng phó đại dịch Covid-19, nghị quyết cũng đề nghị WHO, thông qua tham vấn với các nước thành viên, thực hiện một quá trình từng bước đánh giá một cách khách quan, độc lập và tổng thể các kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình điều phối ứng phó quốc tế chống dịch COVID-19.

Phiên họp cũng đã bầu các thành viên mới cho Ủy ban Điều hành nhiệm kỳ 2020-2023, trong đó tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc đã thay Nhật Bản trở thành thành viên mới của Ủy ban. Việt Nam là thành viên Ủy ban đại diện cho khu vực Tây Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2019.

Đoàn đại biểu Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, đã chuẩn bị tốt cho việc tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội đồng, đồng thời tích cực tham gia các phiên họp khác trong khuôn khổ WHA73.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu về công tác phòng chống và ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam tại phiên thảo luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Khách mời đặc biệt tại WHA73

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO