Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thay ngay cán bộ nhũng nhiễu dân

H.Mai-V.Thắng 19/11/2017 06:00

Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Tại phiên chất vấn với 23 đại biểu đặt câu hỏi và 25 đại biểu chưa kịp chất vấn; có 5 đại biểu tranh luận lại với Thủ tướng. Các nhóm vấn đề được các ĐBQH chất vấn bao gồm: nâng cao năng lực cán bộ, siết kỷ cương, cải cách hành chính, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, chống tham nhũng... Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Sau 3 ngày làm việc tích cực, Quốc hội đã ho

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 18/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đa số các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội. Niềm tin của người dân, theo đó, được nâng lên.

Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, Thủ tướng nhắc tới thông tin mới nhất về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính.


Toàn cảnh phiên chất vấn, chiều 18/11. Ảnh: Quang Vinh.

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng xác nhận những bất cập, chậm chuyển biến như tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “thờ ơ”, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. “Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận”- Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tập trung cải thiện căn bản nhóm các chỉ số đánh giá cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện còn thấp, vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh Chính phủ điện tử, công khai minh bạch chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Nhiệm vụ khác Thủ tướng trình bày là ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị, tăng cường thanh kiểm tra công vụ và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.

Trả lời băn khoăn của ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) về BOT giao thông, Thủ tướng khẳng định sự quan trọng của đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư. Điều đó mang lại sự tiến bộ lớn cho hạ tầng, huy động được trên 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy hoạch BOT được cho là làm chưa tốt. Có những tuyến đường gây dư luận bất bình, nhất là về số trạm đặt, số km đặt trạm, giá, phí… Chính sách, cơ chế cho BOT cũng còn nhiều bất cập, nhất là thiếu giám sát, kiểm tra. Những vấn đề này đang được chấn chỉnh quyết liệt. Thủ tướng nhấn mạnh 2 lĩnh vực cần đầu tư BOT là cung ứng điện và giao thông. Những dự án đó phải được đấu thầu công khai chứ không chỉ chỉ định thầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Về cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Thủ tướng thông tin cuộc làm việc mới đây cùng Bí thư tỉnh Lạng Sơn và Bộ trưởng Giao thông vận tải đã quyết định làm tuyến này bằng BOT để triển khai cả tuyến tới Hữu Nghị quan, để đến 2019-2020 tuyến cao tốc quan trọng này nối vào Quốc lộ 1.

Về lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng khẳng định thành công của APEC 2017 cùng việc đón nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp nhà nước vừa qua. Thủ tướng cho biết, đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi 10 hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp.Thủ tướng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia; chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, phấn đấu đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tạo mọi thuận lợi cho kiều bào đầu tư kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) gửi đến Thủ tướng thực tế việc cán bộ chậm giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân.

Thủ tướng cho rằng, điều này thể hiện năng lực của cán bộ, đạo đức của cán bộ. Vì tâm lý an toàn, sợ mất chức mất quyền nên không giám quyết… những việc này làm chậm lại quá trình cải cách hành chính.“Tới đây những bộ phận, đơn vị, cán bộ chậm giải quyết thủ tục cho dân, đòi lót tay, nhũng nhiễu phải được thay thế ngay”- Thủ tướng khẳng định.


ĐBQH Lê Thị Nga chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Cũng nói về kỷ cương hành chính, trả lời Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, Thủ tướng nói, tinh thần của Chính phủ lời nói phải đi liền với việc làm, đảm bảo kỷ cương phép nước.

Làm sao giảm chênh lệch giàu nghèo
Chất vấn Thủ tướng, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề cập 2 vấn đề. Trước hết, đất nước đã xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN khá thành công nhưng chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn đang diễn ra. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này. Bên cạnh đó, đại biểu đề cập việc phát triển kinh tế tư nhân với định hướng kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế đất nước.


ĐBQH Tô Văn Tám chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Trả lời ĐB Tô Văn Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc cách mạng của Việt Nam trước hết để giải phóng dân tộc, sau để nâng cao cuộc sống của người dân nên đã thực hiện phương châm người cày có ruộng. Vì vậy, cả hệ thống chính trị liên tục phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh. Đời sống của nhân dân từ nông thôn tới miền núi, vùng sâu, vùng xa liên tục được cải thiện, cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi nhiều.

Dù vậy, khó khăn của người dân vẫn là thực tế. Thu nhập của người dân ở nông thôn chỉ bằng ½ thành thị, ở vùng núi thì còn hơn 40% người nghèo. “Thu hẹp khoảng cách là nhiệm vụ lớn, về mặt kinh tế phải đẩy mạnh ổn định, tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất chất lượng, hiệu quả, để người nông dân thu lợi từ sự phát triển kinh tế hơn. Điều tiết thu nhập qua thuế cũng phải tốt hơn”- Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh, muốn giảm khoảng cách thì ổn định môi trường xã hội là quan trọng để tập trung cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân làm chủ. Có chính trị tốt mới có thể giải quyết được vấn đề chênh lệch khoảng cách. Cần tiếp tục các chính sách an sinh với người nghèo, người yếu thế. “Với tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo, cần quan tâm mạnh mẽ, giành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm đến những vùng khó khăn, nhất là vùng chưa có điện, đường, trạm xá, hạ tầng cần thiết cho người dân”- Thủ tướng nói.

Nói về số vụ phá rừng thời gian qua đã giảm xuống, nhất là việc chuyển rừng nghèo kiệt sang làm cây công nghiệp, Thủ tướng cho biết, nhiều tỉnh đã xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, từ Bình Định, Gia Lai, Huế, Điện Biên…Nhận thức của chính quyền về việc này ngày càng cao hơn. Theo đó, chỉ tiêu che phủ rừng, trồng rừng năm nay đã đạt chỉ tiêu đề ra. Chính phủ đã cho dừng nhiều dự án thủy điện khi phải phá rừng không cần thiết, nhất là rừng tự nhiên. Thủ tướng tin tưởng rằng tới đây không phải là núi đồi xơ xác mà sẽ là màu xanh bạt ngàn che phủ.

Chống tham nhũng phải quyết liệt
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu quan điểm, tham nhũng ở nơi nào, chính quyền nào cũng có nhưng phải kiên quyết chống bằng được; nhưng ở dưới chuyển động chưa nhiều.

Trả lời, Thủ tướng bày tỏ đồng tình với nhận định ở thể chế nào, nhà nước nào cũng có tham nhũng. Đảng và Nhà nước ta coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nên cả hệ thống chính trị cùng thống nhất chống tham nhũng, lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.

Bên cạnh việc giáo dục cán bộ công chức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thì các cơ quan Trung ương phải làm gương về vấn đề này. Theo Thủ tướng, cần tính toán việc nâng lương cho cán bộ công chức. Đây là việc cần thiết trong tình hình tham nhũng vặt đang diễn ra nhiều.

Bên cạnh đó, để chống tham nhũng vặt, Thủ tướng đưa ra giải pháp cụ thể như ứng dụng công nghệ để nộp thuế, giải quyết thủ tục hải quan điện tử để ngăn việc tiếp xúc của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp- Thủ tướng cho rằng, đây là một cách để chống tham nhũng vặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thay ngay cán bộ nhũng nhiễu dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO