Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm ô tô công

PV 06/04/2017 10:30

Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền; việc mua sắm mới xe ô tô của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.

Cụ thể, trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 vừa được ban hành, Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo hướng sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.

Liên quan đến quản lý xe công, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2399/BTC-QLCS gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập xin ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Dự thảo này được xây dựng nhằm thay thế Quyết định 32 ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước gồm 6 chương 24 điều.

Trong dự thảo, nhiều chức danh tại cấp bộ, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang được bố trí xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác sẽ không còn được bố trí xe phục vụ. Thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm. Đồng thời, khi đi công tác, những cán bộ này có thể được chọn hình thức bố trí xe sử dụng chung của đơn vị hoặc nhận kinh phí khoán theo hình thức tự nguyện.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước) phải khoán bắt buộc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí như sau: Phương án 1: Đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Phương án 2: Mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.

Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định. Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Phương án 2: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên xem xét quyết định.

Khi đi công tác, các chức danh kể trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, hoặc thuê xe dịch vụ.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ôtô phục vụ công tác chung theo hướng giảm định mức sử dụng xe. Mục đích nhằm thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 của Thủ tướng về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, phấn đấu đến năm 2020 giảm 30-50% số lượng ôtô công phục vụ công tác được trang bị cho các Bộ ngành, địa phương hiện có (trừ các địa bàn hải đảo, miền nói, vùng đặc biệt khó khăn).

Theo quy định hiện hành, chế độ khoán xe công được khuyến khích áp dụng và không phải quy định bắt buộc. Từ ngày 1/10/2016, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện chế độ bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe công đối với cấp Thứ trưởng và tương đương; từ ngày 1/1/2017 áp dụng xuống các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm ô tô công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO