Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục

Lam Nhi 05/08/2022 15:27

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị Tự chủ đại học (ĐH) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 4/8 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tự chủ đại học là một đột phá chiến lược

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, hiện nay Việt Nam đã có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng, thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ.

Một số cơ sở giáo dục ĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng ĐH ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường ĐH theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 ĐH được xếp hạng cao trong top 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

Những yếu tố khởi sắc khi các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ đã rõ khi tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, tự chủ ĐH như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH. “Một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các ĐH phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ ĐH là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được” - ông Sơn nhìn nhận.

Những đề xuất từ thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, việc triển khai thực hiện tự chủ ĐH thời gian qua bên cạnh những thành quả đạt được cũng gặp không ít rào cản, vướng mắc. Trong đó, có 5 vấn đề vướng mắc nổi cộm: Nhận thức, tư duy về tự chủ ĐH còn chưa có sự thống nhất giữa các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục ĐH; các quy định pháp luật có liên quan đến tự chủ ĐH trong một số văn bản luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và khó triển khai trên thực tiễn, công tác tổ chức, quản trị ĐH còn bất cập, nguồn lực tài chính cho giáo dục ĐH còn nhiều khó khăn.

Ông Vinh nhấn mạnh, để thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH hiệu quả hơn nữa, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, như cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm tiếp cận cũng như cách hiểu nội hàm khái niệm tự chủ ĐH đối với tất cả các bên liên quan để có thể tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục ĐH chủ động thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách thực chất và hiệu quả…

Từ thực tiễn tự chủ ĐH của Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, GS. TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục ĐH nhất là các lĩnh vực trọng điểm, ngành đào tạo khoa học cơ bản và nghiên ccứu khoa học mũi nhọn. Trong đó, điều quan trọng là sự đồng bộ của các chính sách từ Bộ chủ quản và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Nội vụ và Chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần rà soát quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, xác định trọng tâm trọng điểm để đầu tư mạnh về cơ sở vật chất.

PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Trường ĐH Ngoại thương khẳng định, chìa khóa để thành công trong tự chủ ĐH đó là các cơ sở giáo dục ĐH cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ ĐH đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh mới; cần phải coi tự chủ ĐH là một xu thế tất yếu cho sự phát triển và sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập…

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT kiến nghị, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cần phải nâng cao nhiều lần chi phí trung bình chi cho việc đào tạo một sinh viên. Cần kết hợp tự chủ với việc sử dụng hợp lý ngân sách và xã hội hóa để giải quyết việc này. Đồng thời, có quy định kịp thời về tự chủ của các trường ĐH trong “thu hút vốn đầu tư”, trong đó có việc vay, bảo lãnh, trả nợ của trường công. Cũng cần mở rộng cơ chế tín dụng sinh viên. Lấy tương lai đầu tư cho hiện tại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những ý nghĩa tích cực do tự chủ ĐH mang lại; đồng thời khẳng định, tự chủ ĐH là cả quá trình lâu dài, đầy chông gai. Vì vậy cần thống nhất tư tưởng để quyết tâm hành động trong thực hiện thành công tự chủ ĐH; trong đó có việc nâng cao cả số lượng và chất lượng các trường ĐH, có đột phá trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO