Thúc đẩy văn hóa đọc thời 4.0

THANH XUÂN 03/04/2022 09:22

Thời 4.0, văn hóa đọc có nhiều đổi khác. Giới trẻ không chỉ đọc sách giấy truyền thống mà chuyển sang đọc sách điện tử (e-book)… Bên cạnh đó, để văn hóa đọc tiếp tục lan tỏa, tạo cảm hứng cho giới trẻ, cần có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo…

Cần thêm nhiều cuộc thi, dự án thiết thực để thúc đẩy văn hóa đọc thời 4.0.

Hướng tới Ngày Sách Việt Nam (21/4) và đánh dấu 5 năm thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” do Thủ tướng phê duyệt năm 2017, những ngày qua có nhiều hoạt động thiết thực như Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và Cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức sáng 1/4, tại Phố Sách Hà Nội. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 có chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 có chủ đề “Sách và Khát vọng cống hiến”.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được Bộ VHTTDL tổ chức thường niên từ năm 2019, với mục tiêu kết nối và truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho người dân Việt Nam, từ đó phát triển văn hóa đọc và lan tỏa tri thức trong cộng đồng, góp phần chấn hưng văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước.

Trong khi đó, cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến được tổ chức lần đầu tiên năm 2021, bắt đầu từ ý tưởng mở ra một sân chơi mới, thú vị và bổ ích để những người yêu sách có thể chia sẻ những cuốn sách hay và lan tỏa thói quen đọc sách tới cộng đồng. Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức, song cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân. Đã có gần 3.000 video dự thi gửi về tham dự và 56 giải thưởng được trao, gồm: 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 6 giải nhì, 10 giải ba và 35 giải khuyến khích.

Năm 2022, cả hai cuộc thi trên đều có sự đổi mới và thay đổi nhằm tạo thêm nhiều cơ hội, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các thí sinh. Ngoài hình thức dự thi bằng bài viết hoặc video như thường lệ, các thí sinh tham dự Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2022 có thêm nhiều hình thức để lựa chọn thể hiện như vẽ tranh, sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch… về tình yêu sách và đặc biệt là văn hóa đọc.

Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, mở rộng hai cuộc thi trên về thành phần thí sinh tham gia đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Dịp này, Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam cũng khởi động dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt” với những giải pháp, cách thức cụ thể, thiết thực giúp độc giả tự xây dựng được thói quen đọc sách, biết cách chọn lọc tủ sách cho gia đình. Đơn vị tổ chức gợi ý 7 tủ sách nhỏ để bạn đọc có thể dễ dàng đề xuất danh mục sách theo chủ đề bao gồm: Dành cho thiếu nhi, Văn học kinh điển thế giới, Văn học Việt Nam, Phát triển bản thân, Phong tục - Tập quán, Văn hóa - Giáo dục, Lịch sử - Tư tưởng.

TS Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia cho rằng, kho tàng tri thức của nhân loại là rộng lớn vô tận, và ngay cả khi thực sự quan tâm đến việc đọc, đôi lúc chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn ở độ tuổi này nên đọc sách gì, chọn lựa ra sao và đọc như thế nào. Do đó, dự án này mang tính gợi mở, trợ giúp mọi người tìm sách hay, sách tốt cho gia đình, để đọc sách trở thành thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày, thành nhu cầu tự thân.

Song song với dự án này, cuộc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” cũng đã được phát động, nhằm thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của những độc giả quan tâm đến việc đọc và văn hóa đọc trên khắp cả nước. Ngoài phần bình chọn của độc giả, chương trình có sự tư vấn, phản biện, đóng góp của ban cố vấn chuyên môn là những học giả, nhà nghiên cứu, những người có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt: Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, TS Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, TS Nguyễn Thụy Anh…

Có thể nói, từ những cuộc thi hay triển khai dự án “Tủ sách đời người”, đó là những việc làm ý nghĩa, thúc đẩy, lan tỏa và gìn giữ văn hóa đọc. Lâu nay, những thống kê cho rằng người Việt mỗi năm đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm, hay văn hóa đọc đang “xuống dốc” vẫn được nêu ra. Thế nhưng những hành động cụ thể để thay đổi, xoay chuyển tình hình thì chưa thực sự nhiều. Vì thế, cần nhiều hơn nữa các dự án hữu ích, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, nhất là ở thời kỳ các hình thức nghe nhìn, mạng xã hội đang có phần lấn lướt. Bởi nói như TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), con người có 3 khát vọng là thoát khỏi nghèo đói, thoát khỏi ngu dốt và thoát khỏi sự tầm thường. Mà sách thì có thể giúp chúng ta thực hiện cả ba điều này…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy văn hóa đọc thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO