Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?

Cẩm Anh 01/04/2021 05:37

Thờ cúng ông bà tổ tiên, phụng thờ các anh hùng dân tộc có công với dân với nước, tôn thờ thần linh... là tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của người Việt. Cùng với sự hòa hợp với các tôn giáo khác, trong đó đặc biệt là đạo Phật, việc thực hành tâm linh ở Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam.

Chùa Đồng (Yên Tử) mùa lễ hội. (Ảnh mang tính minh họa).

Thực hành tâm linh ngày càng nhuốm màu sắc thực dụng

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Mọi tôn giáo đều bình đẳng như nhau và mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Dân gian, trong tiềm thức sâu nặng, luôn luôn biết ơn và thờ phụng tổ tiên nguồn cội. Các bậc thần linh, các anh hùng có công với dân với nước đều được nhân dân ghi nhớ công ơn và thờ cúng chu đáo.

Trong dòng chảy cùng tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đạo Phật vào Việt Nam từ rất sớm. Khi đến Việt Nam, hoà hợp cùng văn hoá và tín ngưỡng bản địa, Phật giáo vẫn là tôn giáo được biết đến rộng rãi và gần gũi với người Việt Nam hơn cả. Trong tâm hồn phần đông người Việt Nam, luôn luôn có chỗ dành cho chùa làng.

Và dù là tín ngưỡng dân gian, dù là đạo Phật hay nhiều tôn giáo khác, thì triết lý quan trọng bậc nhất vẫn là hướng thiện. Không có gì tử tế hơn việc con người có một đức tin. Tin rằng chỉ cần tâm mình khởi lên điều thiện, tin rằng cuộc đời có luật nhân quả… là những triết lý nhân văn sâu sắc, hoàn toàn gần gũi và có chung một thông điệp với đạo lý dân tộc.

Phật giáo vào Việt Nam trải qua hàng nghìn năm, hoà hợp cùng văn hoá và tín ngưỡng Việt Nam, tiếp tục được bồi đắp và hoàn thiện hơn về giáo lý bởi nhiều thế hệ các bậc thiền sư nổi tiếng trong lịch sử, bởi nhiều thế hệ các nhà tu hành mẫu mực tinh thông Phật pháp và đạo hạnh. Sự tôn nghiêm của một giáo lý tôn giáo, cùng với tín ngưỡng bản địa trở thành đạo lý nâng đỡ tinh thần quan trọng cho đời sống con người.

Cho nên, thật đáng tiếc nếu trong đời sống hiện đại ngày nay, khi vật chất đã đủ đầy, khi người ta có điều kiện hơn để quan tâm, chăm lo đến việc thờ cúng, thì tính thực dụng đã chen cả vào chốn thờ tự. Thật đáng phê phán, khó chấp nhận nếu ở nơi mà người ta gửi gắm đức tin nhuốm màu thực dụng của quy luật đồng tiền chi phối. Sự đổ vỡ về niềm tin tín ngưỡng tôn giáo là sự đổ vỡ rất lớn!

Nhiều năm liền, chúng ta phải nói về câu chuyện lễ dâng sao giải hạn tập trung tới vài chục ngàn người ngồi tràn cả ra đường. Nhiều năm liền, chúng ta mệt mỏi với những lễ hội bị trần tục hóa. Nhiều năm, người ta tranh nhau xin ấn, cướp lộc. Dòng người đổ xô đến chùa chiền, đền phủ ngày càng mang màu sắc thực dụng, xin xỏ Phật, xin xỏ thần linh. Nói như thế không phải là tất cả. Vẫn còn rất nhiều người đi lễ với tinh thần thành kính, tri ân trong sáng . Nhưng rõ ràng những biến tướng của trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật. Nhiều nơi tổ chức lễ hội chỉ nhằm được lợi nhuận. Người đến lễ thì thường cầu cúng xin xỏ chứ không phải để chiêm tưởng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với GS Đỗ Quang Hưng về việc vì sao ở nhiều cơ sở Phật giáo lại tổ chức lễ dâng sao giải hạn vốn xa lạ với giáo lý nhà Phật, ông đã lý giải: Phật giáo không chấp nhận những hành vi mê tín. Nhưng hiện nay, có vẻ sức ép quá lớn từ phật tử và từ những người yêu mến đã khiến nhà chùa có sự thỏa hiệp với giáo lý, lối sống và triết lý của đạo Phật để “tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích”.

Vì sao con người dễ u mê?

Không nên nghi ngờ đức tin, nhưng một khi đức tin bị lạm dụng thì nó phản ánh nhiều vấn đề của một xã hội thời hiện đại.

Khi Báo Đại Đoàn kết thực hiện loạt bài về những hoạt động “ma mị” của CLB Tình Người, điều đáng ngạc nhiên là con người thời hiện đại vì sao lại dễ u mê đến thế.

Theo PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, hiện tượng lạm dụng đức tin hiện nay cần được nghiên cứu thấu đáo. Ông Long cho rằng các nhà xã hội học nên nghiên cứu những hiện tượng này và có kết luận khoa học giúp các nhà quản lý xã hội tìm được giải pháp hợp lí chấm dứt tình trạng lạm dụng đức tin. “Tôi không đề xuất chuyện quản lý đức tin nhưng có khuyến cáo nếu xã hội để cho tình trạng lợi dụng đức tin đến mức những hoạt động đội lốt tự do tín ngưỡng, đức tin làm cho xã hội mất tính chuẩn mực của nó thì cần có sự điều chỉnh bằng pháp luật. Đó là chức năng quản lý nhà nước mà các cơ quan công quyền phải làm”- PGS,TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.

Có gì liên quan không giữa việc kinh tế ngày càng khá giả với sự “mê lầm” trong đức tin của xã hội? Vẫn theo ông Long: Đức tin giúp cho con người hướng thiện nhưng ranh giới giữa đức tin và những gì ngoài nó rất mong manh. Một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo là nhân - quả vậy mà nhiều người lại nghĩ rằng mang tiền đi là có thể “giải nghiệp”, xóa sạch tội lỗi của kiếp trước hoặc của quá khứ.

“Đó là sự báng bổ xét về đức tin, là vô đạo đức về mặt nhân cách. Thần, Phật nào chứng cho chuyện ấy? Cứ lễ to thì thoát tội thì khác gì buôn thần, bán thánh?” - ông Long nói.

Thực hành tâm linh mà không mê muội

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện mê lầm trong xã hội. Trong đó, qua loạt bài về hoạt động “ma mị” của CLB Tình Người, chúng ta càng thấy những hoạt động lạm dụng đức tin đã ngày càng trở lên tinh vi. Rất nhiều người đã bị u mê khi hoàn toàn tin vào cái gọi là “giáo lý” biến tướng, xa lạ với giáo lý nhà Phật và các tôn giáo, tín ngưỡng khác.

Để việc thực hành tâm linh không sa vào mê tín, đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng đúng là đang có những hoạt động sai trái lạm dụng đức tin gây ra những hậu quả lâu dài cho xã hội. Ngay cả đối với Phật giáo, để giữ gìn sự tôn nghiêm của chốn tu hành, để giữ sự uy nghiêm của Đức Phật, cũng cần chấn chỉnh những hoạt động trái với giáo lý, với đạo lý ở một số cơ sở Phật giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ mang ý nghĩa tích cực nếu đem lại lợi lạc cho cộng đồng, cho xã hội bằng tinh thần từ bi, hỉ xả, hướng con người tới đạo đức, khơi lên sự tử tế, đạt tới an lạc. Thực hành tâm linh là thực hành đạo lý, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân công đức người đi trước. Chỉ có như thế, tín ngưỡng tôn giáo mới cần thiết cho con người, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Đức Phật không chỉ cho con người tới con đường mê muội.

Thực hành tâm linh vẫn là nhu cầu của con người thời hiện đại, tiếp diễn trong chiều dài lịch sử dân tộc, bồi đắp cho đời sống tâm hồn người Việt thêm phong phú. Nhưng sẽ không có thêm sự bồi đắp nào nếu xu thế và quan niệm về đức tin còn tiếp tục lệch lạc như hiện nay. Mà nói như GS Ngô Đức Thịnh là sau nhiều thập niên bị đứt đoạn về văn hóa do nhiều lý do khách quan, con người hôm nay hầu như chưa được trao truyền những hiểu biết về văn hóa tâm linh của cha ông. Họ đến với đời sống tâm linh với nhiều mê lầm. Nhiều người cứ thấy đền chùa lễ hội là lao vào cúng bái như con thiêu thân chứ không hề biết đến lịch sử văn hóa của nơi mình cúng vái.

Lịch sử và văn hoá chỉ trở thành giá trị khi mỗi chúng ta hiểu biết thấu đáo về đời sống tâm linh của dân tộc, về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, và triết học của nó.

Khi con người lợi dụng cả đức tin để xoá tội lỗi, để che mắt thiên hạ, kiếm lợi thì nguy cơ bày ra trước mắt, là nỗi đe doạ trực tiếp không chỉ cho hiện tại mà còn là mối nguy cho tương lai.

Với mong muốn cung cấp kiến thức và đem lại nhận thức đúng đắn hơn về văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, vào 9h30 ngày1/4/2021, báo Đại Đoàn kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” tại Hội trường Báo Đại Đoàn kết, 66 Bà Triệu, Hà Nội

Chủ trì: Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn kết.

Khách mời:

-Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trong xã hội.

-Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính -Tam Chúc.

-Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa - ATC

Trong buổi tọa đàm này, chúng tôi sẽ đặt câu hỏi và cùng các vị khách mời lý giải vì sao giữa thời buổi xã hội phát triển như ngày nay, mà không ít người có trình độ, có kiến thức vẫn sa đà vào những hoạt động đầy u mê núp dưới bóng của từ thiện, của tâm linh? Vì sao con người thời hiện đại lại dễ mê lầm đến thế?

Buổi tọa đàm là dịp để chúng ta cùng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, những mong có thể loại bỏ những hoạt động sai trái với đạo lý dân tộc, với tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Để thực hành tâm linh trở lại với ý nghĩa là hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh, thực hành đời sống tâm linh mà không sa đà vào mê tín, mê muội.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết và tại fanpage của báo Đại Đoàn Kết trên mạng xã hội Facebook)

Trân trọng kính mời quý độc giả cùng theo dõi!

Đại Đoàn Kết

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO