Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Việt Thắng 19/04/2017 22:00

Chiều 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Nhìn thẳng vào những yếu kém, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra năm 2016 vẫn còn tình trạng việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc, sử dụng xe công đi lễ hội vẫn còn xảy ra ờ một số cơ quan, đơn vị. Hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phô trương, lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Còn nhiều bất cập

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước (NSNN) còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí NSNN ở các mức độ khác nhau.

Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng cũng còn hạn chế: sử dụng sai nguồn kinh phí; sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu, để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

“Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh. Cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua.

Ông Hải cũng chỉ rõ, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách chỉ đạo quyết liệt để hạn chế lãng phí trong việc mua sắm tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể: việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định; vẫn còn tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Cũng theo ông Hải, công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra.

Ông Hải đưa ra dẫn chứng: 11/27 dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng; việc quản lý nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện và thiếu các chế tài quản lý, giám sát nên tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện chưa cao. Việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình trong đó có trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình.

Tình trạng lãng phí vẫn phổ biến

Sau khi chỉ ra thực tế trên, ông Hải đề nghị, Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kỷ luật nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, xe công, sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích, chi tiếp khách, khánh thành , khởi công, tham quan.

Thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 8 nội dung lớn đều bám sát tinh thần của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Báo cáo năm nay dù có tiến bộ hơn so với các năm trước, nhưng hạn chế cũng có khi lãng phí vẫn còn khá phổ biến trong cơ quan nhà nước, xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp trong năm 2017 nhưng phải chú ý tính khả thi. “Như nói tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng có xử lý dứt điểm trong năm nay được hay không? Vì hiện còn nhiều lắm, nhiều nơi còn nợ thuế. Do đó phải xem tính khả thi của nhiệm vụ. Chúng ta có quản lý được các địa phương bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm mà lại dùng ngân sách nhà nước? Có nơi không dùng ngân sách nhà nước nhưng lại huy động doanh nghiệp, xã hội hóa thì đều là lãng phí nguồn lực quốc gia, xã hội cho nên cần chú ý”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ đề ra giải pháp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhưng lại không nhấn mạnh tinh thần phục vụ người dân như thế nào để không gây lãng phí thời gian công tác của người dân, vì riêng người dân đi làm thủ tục giấy tờ đã tốn kém thời gian và tiền bạc của người dân rồi. Cho nên cần phải nhấn mạnh thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO