Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Tránh những biến tướng

Minh Quân 24/09/2019 07:33

Tại chương trình giao lưu “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và mối quan hệ với các tín ngưỡng, tôn giáo khác” được tổ chức mới đây, các nhà nghiên cứu đã cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu đã dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác để chắt lọc những giá trị tinh tuý. Tuy nhiên cần phải hiểu đúng hơn về tín ngưỡng này để tránh những thực hành có tính chất biến tướng.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Tránh những biến tướng

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Mối quan hệ đặc biệt

Các nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Phật giáo, Đạo giáo. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo thể hiện rất rõ qua quan niệm về vũ trụ luận, cách sắp đặt thờ tự, thực hành nghi lễ chầu văn, đặc biệt là nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh… vào dịp lễ hội.

Theo ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng Nam Định, quá trình tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu đã dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác để chắt lọc những giá trị tinh tuý (từ bi hỷ xả của Phật giáo, biến hóa linh thiêng của Đạo giáo, trinh hiếu của Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa khác) thể hiện sự đa dạng văn hóa, phù hợp với truyền thống đạo lý, thuần phong mỹ tục của người Việt, nhằm hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Do đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân tôn vinh là Tiên, là Phật, là Thánh, là Thiên Bản lục kỳ chi đệ nhất (là thứ nhất trong 6 sự việc ly kỳ ở đất Thiên Bản), là một trong Tứ bất tử, là Mẫu nghi thiên hạ…

Còn TS Phạm Văn Tuấn (Viện Hán Nôm) đưa ra nhận định: “Thờ Tam phủ tứ phủ trong chùa có từ bao giờ? Đây là một phần trong những câu hỏi cho việc xác định việc hình thành phát triển của tín ngưỡng Tam phủ tứ phủ. Đến nay, căn cứ kiến trúc tôn giáo chùa chiền, căn cứ văn bia ghi chép về quá trình trùng tu, thư tịch ghi chép về chùa chiền và các thư tịch tín ngưỡng Tam tứ phủ, chúng ta có thể dần loại suy khả năng dung hòa hai tín ngưỡng như hiện nay vẫn thấy trong các chùa chiền”.

TS Tuấn cũng dẫn chứng ngày nay, ban thờ Mẫu có gian giá thờ tự riêng trong các chùa. Ở miền Bắc, gần như chùa nào cũng có ban thờ Mẫu và khác biệt hoàn toàn với văn hóa tín ngưỡng trong Phật giáo được các thư tịch ghi chép lại.

Thực hành đúng tín ngưỡng

Cũng trong buổi giao lưu, các đại biểu cũng đã phân tích việc thực hiện các tín ngưỡng hiện nay, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có thể ví như một cái cây lớn, phủ bóng lên hầu như toàn bộ các sinh hoạt tâm linh nói riêng cũng như có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt của địa phương. Những ảnh hưởng này cho tới nay nói chung là tích cực, nhưng cũng không tránh khỏi một số biểu hiện tiêu cực. Đơn cử như việc xây dựng sửa chữa các di tích tôn giáo tín ngưỡng theo xu thế phục vụ thị hiếu của thị trường, đền chùa nào cũng lập thêm phủ thờ Mẫu, những nơi thờ các vị thần của địa phương cũng được “Mẫu hoá” sẽ dần làm biến mất những di tích cổ, mai một những sinh hoạt cổ truyền địa phương, vì thế, bên cạnh sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa khác của địa phương…

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh dẫn chứng câu chuyện tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hiện nay sự phát triển của các phủ thờ tại địa phương vẫn đang tồn tại sự cạnh tranh lẫn nhau, thí dụ như mâu thuẫn giữa phủ Vân Cát và phủ Thiên Hương, phủ Vân Cát và đền thờ Lý Bôn… Thủ nhang đền Lý Bôn cho rằng Vua Lý Bôn là to nhất vì ông Lý Bôn còn sắc phong cho thánh Mẫu; thủ nhang phủ Thiên Hương cho là đây mới là phủ chính; thủ nhang phủ Vân Cát cho là phủ Vân Cát là tưởng niệm nơi thánh Mẫu sinh ra, phủ Thiên Hương là nơi tưởng niệm Mẫu hóa, chứ không có chính hay phụ. Việc cạnh tranh này một phần do nhận thức của từng thủ nhang, một phần là do các di tích muốn nâng cao vị thế của di tích, khẳng định vị trí của di tích. Do đó, theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh cần tránh sự tuyên truyền, cạnh tranh về nguồn gốc, vị thế, gây nên những phản cảm cho người đi lễ, du khách. Cần có sự điều hòa của chính quyền để tạo nên một môi trường tâm linh lành mạnh, tạo nên một quần thể di tích hài hòa, tránh mọi sự cạnh tranh ngấm ngầm cũng như công khai…

Có thể thấy, việc một tôn giáo hay tín ngưỡng phát triển trong một cộng đồng làng xã sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến cơ cấu tổ chức của làng xã đó (truyền thống cũng như hiện đại), vị thế người phụ nữ trong gia đình (trong đạo Mẫu có tư tưởng giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền, phụ nữ lên hầu thánh cũng được), và các tín ngưỡng truyền thống khác. Ở đó, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mặc dù vẫn còn đó một vài “hạt sạn” nhưng trong thời gian qua đã những hướng đi đúng không chỉ trong việc bảo tồn, phát triển mà đang còn có ảnh hưởng tốt đến lối sống, đạo đức của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Tránh những biến tướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO