Thực hiện lời hứa

H.Vũ (thực hiện) 11/11/2019 08:00

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã khép lại, được đánh giá cao. Nhưng đằng sau phiên chất vấn, điều được các ĐBQH cũng như cử tri mong đợi chính là việc các thành viên trả lời chất vấn thực hiện được lời hứa của mình trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước. Vậy làm sao để các Bộ trưởng có thể thực hiện được lời hứa của mình? Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng.

Thực hiện lời hứa

ĐBQH Lê Công Nhường chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, là người từng chất vấn tại phiên chất vấn, cá nhân ông có nhận định như thế nào về phiên chất vấn lần này, đặc biệt là phần trả lời của các Bộ trưởng và phần giải trình thêm của các Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực?.

ĐBQH Lê Công Nhường: Theo tôi, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ. Trong quá trình trả lời, các Bộ trưởng có dẫn chứng và đưa ra một số giải pháp cụ thể, đồng thời thông tin thêm để các ĐBQH hiểu rõ. Bên cạnh đó, các ĐBQH đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm nội dung chất vấn, các Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn vào các nội dung ĐBQH chất vấn. Mỗi Bộ trưởng đều thể hiện lĩnh vực mình đang quản lý và nắm chắc, rất cầu thị và nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, do có nhiều lĩnh vực rộng nên nhiều vấn đề lớn đã được các ĐBQH quan tâm, tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng để làm rõ thêm. Cá nhân tôi cơ bản cảm thấy hài lòng về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề chất vấn, trong đó sẽ yêu cầu các bộ trưởng, thành viên Chính phủ thực hiện những công việc mà mình đã hứa. Qua đó cử tri và nhân dân sẽ theo dõi, giám sát lời hứa của mỗi Bộ trưởng.

Lần này phiên chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn”. Nhưng vì thời gian trả lời ngắn, chưa đủ ý nên nhiều ĐBQH phải tiếp tục bấm nút tranh luận để Bộ trưởng trả lời tiếp. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

-Tùy vào từng vấn đề, ĐBQH thấy cử tri đang quan tâm bức xúc, hay những vấn đề Chính phủ đã từng hứa mà chưa làm được, cộng với việc các Bộ trưởng trả lời chưa rõ giải pháp nên các ĐBQH đã bấm nút tranh luận, yêu cầu các Bộ trưởng làm rõ vấn đề, hứa và cho biết về các giải pháp sắp tới. Tranh luận của các ĐBQH đều với mục đích để làm rõ, yêu cầu các Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề mà cử tri và ĐBQH quan tâm. Những cái không cần quá cụ thể sẽ được các Bộ trưởng trả lời bằng văn bản, trên cơ sở đó đại biểu có thể nắm thông tin, trả lời cho cử tri. Nhiều khi vì giới hạn thời gian nên phần trả lời của Bộ trưởng không đủ để cho các ĐBQH thỏa mãn. Với áp lực và câu hỏi khá nhiều, có thể phần trả lời đó chưa khiến các ĐBQH thỏa mãn nên họ tiếp tục tranh luận để yêu cầu trả lời thêm, cung cấp thêm thông tin cho đại biểu.

Các ĐBQH chất vấn cũng là nêu các vấn đề chung của đất nước, quan trọng là cách đặt vấn đề trên tinh thần để dựng xây đất nước, giúp các Bộ trưởng nhìn nhận ra những bất cập trong thực tế, để từ đó đưa ra giải pháp. Ví như khi có những bất cập trong thực hiện Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân, tôi đã tranh luận, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ vấn đề này. Bởi, nhiều ngư dân phải đi vay nóng ở ngoài của xã hội đen, khi xã hội đen đến đòi nợ, người dân phải bỏ trốn, nhà cửa tan nát. Do đó tôi gửi chất vấn để Bộ trưởng Bộ NNPTNT cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu lên biện pháp giãn nợ cho ngư dân, cứu cuộc sống của họ. Thực tế hiện ngư dân đánh bắt, khai thác nhiều trong khi sản lượng chỉ có hạn nên nhiều khi ra khơi đánh bắt không đạt hiệu quả, dẫn đến nợ nần. Cái đó cũng có một phần trách nhiệm của chúng ta, làm sao giúp cho ngư dân vượt qua khó khăn để vươn khơi bám biển, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, ta cũng phải có trách nhiệm với ngư dân.

Khi tranh luận lại, ông có đồng tình với phần trả lời của các Bộ trưởng?

-Nói chung trong một chừng mực nào đó cũng đáp ứng được từ 70-80%. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục góp ý bằng văn bản để các Bộ trưởng có thể đưa ra những giải pháp cho phù hợp hơn.

Các Bộ trưởng đã đưa ra nhiều lời hứa, vậy theo ông làm sao để giám sát, buộc các Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình?

-Sau chất vấn, Quốc hội sẽ có Nghị quyết về trả lời chất vấn vào cuối kỳ họp. Tôi mong các ĐBQH cần bám sát vào đó để giám sát lời hứa của các Bộ trưởng, xem Bộ trưởng có thực hiện đúng theo cam kết không hay không thực hiện? Các đại biểu hoạt động chuyên trách cần đeo bám lời hứa của các Bộ trưởng để kiên quyết yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện cho bằng được.

Nhưng thưa ông, thực tế có nhiều khi Bộ trưởng đã hứa từ nhiều kỳ trước nhưng lần này lại được tái chất vấn lại, như việc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp chẳng hạn. Vậy làm sao để lời hứa của các Bộ trưởng được thực thi thay vì cứ để kéo dài từ kỳ họp này sang kỳ họp khác?

-Một sự việc, vấn đề có thể xảy ra nhiều kỳ họp, hoặc cả nhiệm kỳ. Yếu tố được mùa mất giá, được giá mất mùa liên quan đến chính sách và đề án tổng thể phát triển ngành nông nghiệp chứ không đơn thuần ở lời hứa của một bộ trưởng. Vì nó còn liên quan đến vấn đề công thương, rồi tư tưởng của người dân và quá trình xuất nhập khẩu. Cho nên bên cạnh đó tôi cho rằng, sau khi các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn thì Chính phủ cũng phải theo dõi, yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình. Như vậy cử tri mới tin tưởng. Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ và có ý kiến mạnh mẽ hơn nữa để Chính phủ thực hiện lời hứa của mình, tránh để kéo dài từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ sau.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện lời hứa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO