Thực hư việc bán nhà đất ‘cắt lỗ mùa dịch’

Thông Chí 19/08/2021 06:45

“Bán gấp cắt lỗ”, “cắt lỗ do dịch bệnh” là những mẩu tin rao bán trên các sàn giao dịch bất động sản, các trang mạng gần đây. Tuy nhiên, thực tế những giá “cắt lỗ” này lại không hề thấp.

Một mảnh đất, 2,3 người đặt cọc

Tìm theo một trang mạng rao bán đất, anh Nguyễn Thế Hoà (quận Đống Đa, Hà Nội) theo dõi mảnh đất tại Hoà Lạc có diện tích 100 m2, giá 22 triệu đồng/m2 với lời rao “cắt lỗ mùa dịch”. Không chỉ theo dõi 1 trang rao bán này, anh Hoà cũng cẩn thận tìm kiếm thêm nhiều trang khác và thấy cùng một mảnh đất được rao nhiều nơi và cùng một người rao. Sau khi được gửi hình ảnh, video về miếng đất, anh Hoà mới hỏi thông tin từ chủ đất nhưng môi giới cho biết phải đặt cọc trước 30 triệu đồng, sau giãn cách sẽ xuống tận nơi làm công chứng mua bán sang tên. Thấy mảnh đất rẻ so với giá chung thị trường, sàn giao dịch lại có địa chỉ cụ thể rõ ràng nên anh Hoà quyết định “xuống” tiền cọc.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ sau một tuần, trong nhóm “chat” chung là bạn bè, một người bạn của anh Hòa cũng khoe về mảnh đất anh này vừa đặt cọc 50 triệu đồng, giá 24 triệu đồng/m2. Đó chính là mảnh đất mà anh Hoà vừa đặt tiền cọc tuần trước. Tá hoả, anh Hoà gọi lại sàn môi giới thì được báo lại là một nhóm khác cũng vừa nhận cọc xong và họ sẽ trả lại tiền cọc cho anh Hoà.

Nhận định về câu chuyện một miếng đất mà có tới 2 người đặt cọc, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc sàn giao dịch NĐT Land cho rằng, trong trường hợp này, người bạn của anh Hoà không phải là trường hợp nhận cọc cuối cùng. Từ số tiền cọc đó, môi giới sẽ giới thiệu riêng với vài người nữa. Hầu hết các mức giá đều san sát nhau, chỉ chênh 1 đến 2 triệu đồng/m2. Đến mức giá cuối cùng thì đã cao hơn mức giá thị trường 1 đến 2 triệu đồng/m2. “Đang giãn cách người mua không thể sang tên ngay được nên giá cứ vậy đẩy lên cao, đến người mua cao nhất đã là cao hơn giá thị trường. Với người trả giá cao nhất sẽ làm hợp đồng, nếu không mua thì mất cọc, thậm chí phạt cọc. Môi giới đằng nào cũng được lợi”, ông Đông nói.

Thời điểm nào mới nên mua nhà đất “cắt lỗ”?

Trên các trang giao dịch bất động sản xuất hiện rầm rộ thông tin rao bán cắt lỗ căn hộ với những lời rao: “Do ảnh hưởng của dịch, cần tiền bán gấp…”, hay “Cắt lỗ chung cư”, “Bán cắt lỗ gấp...”. Tuy nhiên, khảo sát thực tế của PV Đại Đoàn Kết thì những căn hộ này giá chỉ ngang bằng thời điểm cuối tháng 4, là thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát tại Hà Nội. Đơn cử, căn hộ tầng 9, diện tích 75m2, nội thất liền tường, 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, view bể bơi ở dự án có tiếng nằm ở phố Minh Khai, Hà Nội đang được chào bán cắt lỗ gần 200 triệu đồng. Nhưng một nhân viên sàn giao dịch bất động sản Đất xanh miền Bắc khẳng định, giá 2,8 tỷ đồng cắt lỗ 200 triệu thực tế đã cao hơn thời điểm cuối tháng 4 khoảng 70 đến 80 triệu đồng.

Theo các chuyên gia bất động sản, lời rao bán cắt lỗ là một trong những chiêu bài quảng cáo mà nhiều nhà đầu tư, người bán bất động sản sử dụng để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, đối chiếu thực tế thì thấy ngay, giá bán cắt lỗ vẫn ngang bằng với giá bán trên thị trường, không có chuyện giảm giá vài trăm triệu đồng như những người này quảng cáo.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất đống sản Việt Nam khẳng định, hiện đang giãn cách nên hầu như thị trường không có giao dịch, mà giá được định hình trên giao dịch nên không thể nói bán tháo, bán cắt lỗ được. Đưa ra lời khuyên với người mua nhà với những lời rao bán cắt lỗ, ông Đính cho rằng, chờ hết giãn cách khi xem thực tế thì mới xuống tiền, kể cả tiền cọc.

Theo lãnh đạo một số DN bất động sản, nếu dịch bệnh kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng nữa, thì sẽ có một số ít chủ đất chấp nhận cắt lỗ khi không chịu được áp lực trả nợ. Vậy nên, nếu việc giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, sẽ có các nhà đầu cơ rời khỏi thị trường, khiến lực cầu đầu tư có thể giảm tại các khu vực đã từng có sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc đất nền tại các thành phố lớn sẽ không có đợt giảm giá hay cắt lỗ một cách ồ ạt trong năm 2021 bởi nhu cầu thực về loại hình bất động sản này vẫn rất cao. “Tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến các khu đô thị tại đây có xu hướng mở rộng về mặt diện tích để đáp ứng được nhu cầu về bất động sản ngày càng cao. Việc bán cắt lỗ có thể xảy ra ở một số tỉnh thành lân cận TP HCM và Hà Nội. Điều này bắt nguồn từ việc nhu cầu thực về đất nền ở đây không quá cao”, vị này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hư việc bán nhà đất ‘cắt lỗ mùa dịch’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO