Thực phẩm bẩn: Người tiêu dùng chỉ biết cách 'dỗi'

Thanh Giang 22/09/2016 09:35

Thiếu cơ chế và hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm một cách hiệu quả, người tiêu dùng vẫn phải âm thầm chịu đựng những thiệt hại không đáng có mà thực phẩm bẩn gây ra. Đây chính là lý do tại sao 90% người tiêu dùng im lặng hủy bỏ thực phẩm không an toàn, đồng thời dặn lòng không sử dụng lần hai; chỉ có 5% người tiêu dùng tìm đến cơ quan quản lý nhà nước, hội bảo vệ người tiêu dùng nhờ can thiệp.

Thực phẩm bẩn: Người tiêu dùng chỉ biết cách 'dỗi'

Ảnh minh họa.

Ngày 21/9, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn chính sách an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp. Tại đây nhiều ý kiến khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước và hội chưa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng trước “làn sóng” lớn mạnh của thực phẩm bẩn ngày càng lây lan, gia tăng.

Kết quả, hầu hết người tiêu dùng Việt âm thầm cam chịu với thực phẩm bẩn, họa hoằn lắm mới xuất hiện một vài cá nhân “đơn thương độc mã” dám lên tiếng khi phát hiện sản phẩm không an toàn.

Ông Nguyễn Tử Cương-Nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thẳng thắn: Người tiêu dùng là người yếu thế nhất trong xã hội, không biết, không có quyền được sử dụng thực phẩm sạch. Nhìn người tiêu dùng thấy họ thật đáng thương vì không biết mua gì để ăn.

Trước tình trạng lây lan và phát tán của thực phẩm không an toàn, ông Nguyễn Tử Cương thông tin, hiện có khoảng 73% người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng thực phẩm.

Trong đó, 90% người tiêu im lặng hủy bỏ thực phẩm không an toàn, đồng thời dặn lòng sẽ không sử dụng lần hai; 10% đến đại lý, cửa hàng thắc mắc về thực phẩm bẩn; 5% người tiêu dùng tìm đến cơ quan quản lý nhà nước, hội bảo vệ người tiêu dùng nhờ can thiệp.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ người tiêu dùng tìm đến cơ quan chức năng, hội bảo vệ người tiêu dùng không cao vì có đến 65% người tiêu dùng đánh giá thấp công tác bảo vệ của các cơ quan liên quan, 35% cho rằng đạt hiệu quả và chỉ 5% nhận định cơ quan thực hiện tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Xem ra tình hình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước thực phẩm bẩn không khả quan vì lâu lâu cơ quan chức năng cũng chỉ khuấy động phong trào một đến hai ngày rồi đâu lại vào đó.

Hoặc mạnh tay hơn, tiến hành phạt hành chính vài triệu đồng gọi là phạt cảnh cáo để doanh nghiệp chấn chỉnh hành vi. Bàn về hiệu quả của chính sách an toàn thực phẩm ở Việt Nam, ông Phạm Duy Tường-Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y dược Hà Nội cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng vào cuộc nhiều hơn để kiểm soát, xử lý thực phẩm không an toàn về chất lượng.

Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm-từng được hy vọng mang lại thuốc “đặc trị” ra đời từ năm 2010, phân công trách nhiệm cho từng ngành và từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa tiến triển theo chiều hướng giảm dần. Số vụ ngộ độc không thay đổi trong mấy năm qua, năm nào số người mắc cũng ở mức trên 5.000, số người tử vong cũng không giảm.

Theo ông Phạm Duy Tường, trước đây phần lớn ngộ độc là do thực phẩm không đảm bảo trong khâu vệ sinh, còn hiện nay ngội độc lại do sử dụng nhiều hóa chất. Đơn cử, thủy sản được bơm tạp chất kháng sinh; rượu pha chế bằng hóa chất công nghiệp; cà phê pha trộn thập cẩm nhiều tạp chất, hóa chất khác nhau…

Mong muốn bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trước sự bủa vây của thực phẩm không an toàn, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, kiến nghị đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống quản lý tốt.

Đặc biệt chú ý đến việc tăng cường nhân lực và thiết bị kỹ thuật để kiểm soát thực phẩm trong nước, thực phẩm nhập khẩu. Đồng thời xây dựng hệ thống thanh tra an toàn thực phẩm phù hợp từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó tăng hình thức xử phạt để tạo tính răn đe cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực phẩm bẩn: Người tiêu dùng chỉ biết cách 'dỗi'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO