Thương hiệu và sân chơi toàn cầu

Thảo Nguyên 23/04/2021 05:45

Thông tin giống gạo thơm dòng ST (trong đó có ST24, ST25) của kĩ sư Hồ Quang Cua  từng được những người yêu mến gọi là “Hoa hậu gạo thế giới”, bị người khác chiếm mất bằng cách đăng ký bản quyền ở Mỹ, khiến không ít người băn khoăn. Trước đó, dòng gạo ST đã đạt giải Nhất, Nhì thế giới.

Gạo ST25 của Việt Nam đã bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ bởi 4 doanh nghiệp ngoại.

Để có thành công đó tất nhiên phải trải qua quá trình chọn lựa, lai tạo rất nhọc nhằn, công phu. Theo kĩ sư Hồ Quang Cua, đã có hàng ngàn dòng lúa được phân tích mùi thơm, hàng trăm loại cơm đã được nếm thử và hàng ngàn tấn lúa đã được xay xát để thăm dò ý kiến khách hàng. Đúng là vô cùng công phu mới có được thành công, được thế giới công nhận ở ngôi vị đầu.

Nhưng, vấn đề ở đây là, sau khi đã giành được danh hiệu cao nhất của thế giới thì dòng gạo thơm ST hiện ra sao? Và, thật đáng buồn khi biết rằng dòng gạo thơm ST25 của Việt Nam đã bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ bởi 4 doanh nghiệp ngoại.

Đáng buồn hơn, đây không phải “chuyện lạ” khi mà trước dòng gạo thơm ST thì nhiều sản phẩm khác của Việt Nam cũng đã bị mất thương hiệu. Ít nhất thì đó là: Cà phê Trung Nguyên, thuốc lá VINATABA, Petro Vietnam, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, bánh kẹo Kinh Đô... Đó là những nhãn hiệu có tên tuổi của Việt Nam nhưng rồi cũng lại rơi vào việc tranh chấp thương hiệu với doanh nghiệp nước ngoài.

Một trong những trường hợp đó, xin được nói đến nước mắm nhỉ Phan Thiết: Công ty Kim Seng (trụ sở tại 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of commerce, California 90040 (Mỹ) kinh doanh đa sản phẩm đã đăng ký thương hiệu “Nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết”, tại Văn phòng Bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Mỹ, từ ngày 1/6/1999.

Dẫn ra vụ này là bởi trên thế giới không nhiều quốc gia ăn nước mắm như Việt Nam, có người nói quá lên rằng đó là “quốc hồn quốc túy”, nhưng rồi cũng lại bị mất thương quyền. Cũng vẫn là nước mắm, còn có thể kể đến vụ nước mắm Phú Quốc vào châu Âu nhưng với một cái tên lạ hoắc, kể từ năm 2006.

Trở lại với gạo ST (24,25), nhiều năm qua Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo. Nhưng giá bán gạo của Việt Nam thường “tụt hậu” so với một số nước, nhất là so với Thái Lan. Vì thế, một dòng lúa thơm như ST cần phải được nâng niu, bảo vệ và tự hào. Nhưng mấu chốt là ai sẽ bảo vệ đây?

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu. Trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được.

Trong khi đó, kĩ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của dòng lúa ST lại cho biết, cho dù thương hiệu gạo ST25 đã bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ ở nước ngoài (trong trường hợp này là ở Mỹ) thì tự bản thân doanh nghiệp cũng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Như vậy là cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp đều không thấy hết trách nhiệm của mình, nên cứ để mặc không ít hàng hóa chất lượng cao do người Việt Nam làm ra bị người nước ngoài “sở hữu”.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, cũng rất cần thêm một lần cảnh tỉnh cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp xuất khẩu: Đó là nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương lẫn song phương, thì phải hiểu là ta đã gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu. Không thể theo lối “trai làng” để áp luật chơi của mình cho các quốc gia khác.

Ngược lại, muốn chinh phục thị trường bên ngoài, thì trước hết và vô cùng quan trọng là chính ta phải chủ động dẫn dắt cuộc chơi, phải nắm chắc luật của từng quốc gia, không bao giờ được phép mơ hồ. Nói một cách đơn giản là khi người ta chơi cờ Vua thì anh không thể mang luật cờ Tướng ra áp dụng. Rộng hơn, nếu anh là “ếch ngồi đáy giếng” thì vòm trời anh thấy được rất bé, trong khi vốn dĩ bầu trời mênh mông hơn gấp vạn lần.

Tới nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nền kinh tế cởi mở, hội nhập sâu. Riêng trong năm 2020 vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 thì chúng ta cũng đã ký kết 3 FTA rất quan trọng: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

Nhắc lại, đã tham gia vào sân chơi toàn cầu thì anh không thể “chơi” theo luật riêng của mình, mà phải “theo cách chơi của thiên hạ”. Nếu để mất thương quyền (ví dụ mới nhất là dòng gạo thơm ST), thì cần xem lại mình, khi họ “khôn hơn” thì họ sẽ chớp thời cơ để hưởng lợi, kể cả họ tận dụng sự mơ hồ, qua loa đại khái của đối tác để dựng những rào chắn kĩ thuật.

Người ta từng nói, “thương trường là chiến trường”, ngu ngơ, chậm chân là hỏng. Nếu cứ chậm chạp, vẫn “ếch ngồi đáy giếng” thì sẽ còn bao nhiêu sản phẩm của người Việt Nam làm ra nhưng “tên tuổi”sẽ lại bị rơi vào tay người khác nữa đây? Không ai muốn điều đó, nhưng làm gì thì đến giờ vẫn không rõ ràng khi mà cơ quan quản lý nhà nước “đá quả bóng” sang doanh nghiệp, còn doanh nghiệp lại nói rằng tự họ không thể bảo vệ mình ở nước ngoài nếu cơ quan quản lý nhà nước không bảo vệ họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu và sân chơi toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO