Thương lái bỏ cọc, người trồng thanh long khóc ròng vì mất Tết

Đoàn Xá 09/01/2022 14:00

Sau khi nhận được tiền cọc, nhiều nông dân trồng thanh long chưa kịp mừng thì thương lái tắt điện thoại bỏ đi. Nguyên nhân là việc xuất khẩu khó khăn, thương lái cũng không vận chuyển hàng cho đối tác được.

Dù đã đặt cọc mua hàng chục tấn thanh long ruột đỏ nhưng do quy định nhập khẩu khó khăn, nhiều thương lái Trung Quốc đã bỏ cả tiền cọc khiến nông dân trồng thanh long ở Tiền Giang, Long An khóc ròng vì không bán được. Với 90% sản lượng là xuất khẩu, nhiều nhà vườn điêu đứng để tiêu thụ loại trái cây này.

Hai tuần qua, nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Tầm Vu, An Lục Long, Dương Xuân Hội, Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đứng ngồi không yên vì thanh long không bán được. Nhiều nhà vườn đã nhận tiền đặt cọc (từ 10-20% giá trị) của thương lái nhưng cũng không bán được.

Các thương lái này chấp nhận bỏ tiền cọc bởi ách tắc trong việc đưa hàng nhập vào địa bàn Trung Quốc ở các cửa khẩu phía Bắc.

Thanh long chất đống nhưng nông dân không bán được.

Ông Nguyễn Văn Thành, 46 tuổi ngụ ở xã An Lục Long chia sẻ nhà ông có 8 công đất trồng thanh long ruột đỏ nhiều năm qua.

“Bình thường giá thanh long dao động ở mức 20.000 đồng mỗi ký loại 1, 12.000-15.000 đồng loại 2. Riêng loại 3 chỉ khoảng 10.000 đồng trở về, thường bán cho các tiểu thương nhỏ tiêu thụ trong nước. Nếu bán được với giá trên mỗi vụ thanh long có thể lãi khoảng 50 triệu đồng/công, dịp cuối năm còn cao hơn. Tuy nhiên năm nay trái đã chín hết, tai héo dần mà thương lái không quay lại. Gọi điện thoại họ cũng không bắt máy, nhắn tin kêu bỏ tiền cọc luôn”, ông Thành thở dài chia sẻ.

Theo tính toán của ông Thành, người trồng thanh long ruột đỏ phải đầu tư rất nhiều, chủ yếu là cọc bê-tông, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công chăm sóc (cắt tai) định kỳ, tiền điện chiếu sáng ban đêm... Vì vậy ngay cả khi nhận tiền đặt cọc nhưng không bán hàng được thì nông dân vẫn nỗ rất nhiều.

Long An và Tiền Giang chiếm gần một nửa sản lượng thanh long cả nước

Trong khi đó, ông Võ Văn Tư Em, chủ một vựa thanh long ở xã Quơn Long (chuyện Châu Thành) cho biết thời gian này là vụ chính thu hoạch thanh long miền Tây. Bình thường mỗi ngày vựa ông có 3 xe container chở sang Trung Quốc cho mối hàng nhưng suốt 2 tuần qua chưa có xe nào đi.

“Mình đặt cọc của nhà vườn rồi nên phải mua. Mà không bán được thì còn mất cả tiền nhân công vì cắt thanh long rất khó khăn, phải bọc và phân loại trái.

Hiện nay một số siêu thị, tỉnh thành khác cũng tham gia mua thanh long hỗ trợ nhưng rất ít. Theo cách bảo quản ở kho của mình thì thanh long có thể dự trữ vài tuần. Hy vọng ít ngày nữa cửa khẩu di chuyển bình thường sẽ xuất đi vì bạn hàng họ cũng rất cần”, ông Tư Em chậm rãi chia sẻ.

Các vựa thanh long thu mua cầm chứng vì xuất khẩu khó khăn. Thậm chí nhiều vựa bỏ cả tiền cọc bởi thấy việc xuất khẩu còn khó khăn kéo dài.

Cùng với Châu Thành của tỉnh Long An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) liền kề là vựa thanh long lớn nhất miền Tây Nam bộ. Hai địa phương này có sản lượng thanh long không hề thua kém “thủ phủ” thanh long ở Bình Thuận là bao.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng thanh long 2 địa phương này mỗi năm là gần 600.000 tấn, chiếm 46% sản lượng thanh long cả nước. Do đặc thù thanh long chín hàng loạt, trong lượng nặng nên khi xuất khẩu bị ách tắc là nông dân gặp khó khăn ngay tức khắc. Nhiều nhà vườn phải chặt bỏ hoặc thu hoạch cho gia súc ăn.

Ngoài ra một số bán lẻ cho tiểu thương với giá chỉ từ 3.000-7.000 đồng/ký. Đây là mức giá rất thấp, gần như chỉ bằng tiền công thu hoạch.

Nhiều nông dân trồng thanh long ở Chợ Gạo cho biết hoàn toàn bất ngờ khi thanh long đột ngột không xuất khẩu được.

Nông dân buộc phải cắt thanh long vì tới thời điểm chín rộ.
Sau khi tính toán, trừ các khoản chi phí nhiều nhà vườn thanh long lỗ từ vài chục cho tới cả trăm triệu đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương lái bỏ cọc, người trồng thanh long khóc ròng vì mất Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO