Thương mại điện tử: Kiên quyết đẩy lùi hành vi gian lận

T.Xuân 10/05/2022 14:00

Thương mại điện tử ở Việt Nam đã và đang có tốc độ phát triển nhanh và mạnh. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Thương mại điện tử phát triển mạnh song đi kèm với đó cũng có không ít rủi ro.

Cơ quan quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ hàng gian, hàng giả trên cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử (TMĐT) để trục lợi. Theo đó, tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có xu thế xâm nhập khá mạnh mẽ tại kênh thương mại này. Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bán trên mạng xã hội.

Điển hình, ngày 6/5 vừa qua, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã bất ngờ kiểm tra địa điểm kinh doanh do ông Mai Quyết Thắng làm chủ, phát hiện và thu giữ 2.000 bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng lưu ý, địa điểm này thường xuyên đóng cửa để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo tìm hiểu, cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng TMĐT đặc biệt là shoppee. Tại cơ sở có 4 nhân viên thực hiện việc chốt đơn và đóng gói hàng hóa gửi cho khách hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trung bình mỗi sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 4, lực lượng QLTT đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), càng ngày các đối tượng càng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây TMĐT chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

Những diễn biến nói trên cho thấy, mặt trái của nền kinh tế số chính là sự gia tăng các hành vi vi phạm trên nền tảng TMĐT.

Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng, giới chuyên gia cho rằng, để công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng TMĐT đạt được hiệu quả cao cần rất nhiều yếu tố. Với riêng lực lượng QLTT, cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng TMĐT.

Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn TMĐT, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng.

Để kiểm soát hàng giả hàng nhái trên TMĐT, nhiều ý kiến cho rằng, khi đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ.

Đối với vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa, các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa.

Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục QLTT đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian thương mại điện tử. Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng kết hợp với các cơ quan chức năng khác như hải quan, biên phòng để trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử: Kiên quyết đẩy lùi hành vi gian lận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO