Thượng nguồn sạt lở, hạ nguồn ngập sâu

Tấn Thành 05/11/2017 15:45

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rông, tình hình diễn biến rất phức tạp, trong khi đó thủy điện đua nhau xả lủ điều tiết góp phần gây ngập nặng hạ du. Nhiều nơi miền núi đã bị sạt lở còn hạ nguồn thì ngập sâu lên mức báo động 3. Các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống lũ và sạt lở.


Mưa lớn khiến nhiều nơi sạt lở đất đá nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tính trước vẫn ngập sâu

Trưa ngày 5/11, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh một số nơi ở huyện Đại Lôc, Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An đang bị ngập sâu, có nơi đã lên đến mức báo động 3.

“Tuy nhiên, do đã tính trước một bước, từ đó yêu cầu các nhà máy thủy điện xả lũ điều tiết trước khi mưa lũ lớn xảy ra, nên hiện nay lượng nước xả lũ ít hơn lượng nước thượng nguồn về hồ, do đó dù hạ du có nơi mực nước đã báo động 3 nhưng sẽ không cao nữa. Sau khi mực nước xuống mới tính tiếp xả lũ điều tiết cao hơn”- ông Thu khẳng định.

Còn BCH PCTT & TKCN tỉnh cho biết, đã ban hành lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Sông Bung 4, Đăk Mi 4, thời gian bắt đầu vận hành đêm ngày 4/11và vận hành giảm lũ cho hồ Sông Tranh 2 vào sáng ngày 5/11. Thế nhưng dù có tình trước thì hạ du nhiều vùng vẫn ngập sâu trong nước.


Mưa lớn sóng đánh tan tành Cửa Đại.

Cụ thể, sáng 5/11, chúng tôi có mặt tại khu phố cổ Hội An, đây là nơi nhiều tuyến phố chính trong khu đô thị bị ngập nước sâu. Do mưa lớn kết hợp với nước lũ đang dâng cao, hiện tại đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ kè sông Hoài, đường Nguyễn Thái Học đã ngập sâu hơn 1m.

Cây cầu An Hội bắc ngang sông Hoài cũng đã ở dưới mặt nước. Tại khối Đồng Hiệp, phường Minh An hiện tại người dân phải đi lại bằng thuyền vì mực nước lúc này đã chạm gần 1,5 m. Toàn bộ người dân sinh sống trên các trục đường ngập nước đã dọn dẹp đồ đạc, sẵn sàng ứng phó với lũ từ chiều tối qua.

Không chỉ Hội An mà nhiều nơi khác của hạ du Quảng Nam đang bị ngập nặng. Đáng lo ngại mực nước trên các sông đang tiếp tục tăng nhanh.

Trong khi vào lúc 8h ngày 5/11, mực nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở cao trình 169,57/161 m. Lưu lượng nước về hồ 2359,10 m3/s; lưu lượng xả qua tràn và qua 2 tổ máy 2189,10 m3/s.


Nhiều nơi tại huyện Đại Lộc nước đã tràn vào nhà dân.

Diễn biến còn rất phức tạp

Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT&TKCN, hiện đã có 4 người bị thương, gần 100 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở hơn 1,1km, các tuyến đương miền núi nhiều nơi bị sát lở như các tuyến quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 24C… cùng nhiều tuyến đường khác với hàng nghìn mét khối đất, đá đổ xuống lòng đường.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai khắc phục để đảm bảo thông xe trên các tuyến đường. BCH PCTT&TKCN các huyện đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa gây ra; chỉ đạo ngành chức năng liên quan tổ chức triển khai phương án san ủi đất, đá nhằm giải phóng thông suốt trên tuyến đường giao thông huyết mạch; chỉ đạo các cơ quan liên quan, kiểm tra tình hình đời sống của nhân dân, kịp thời động viên, hỗ trợ đối với những hộ dân bị thiệt hại tài sản.

Cùng với đó, cảnh báo, tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế việc đi lại; các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở phải khẩn trương di dời đến nơi an toàn.


Nhiều tuyến phố tại Hội An người dân phải dùng thuyền để lưu thông.

UBND tỉnh đã ban hành Công điện 04/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vịchủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC. Tuy nhiên đáng lo ngại, tại Quảng Nam mưa ngày càng lớn, diễn biến phức tạp chưa có dấu hiệu dừng lại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng nguồn sạt lở, hạ nguồn ngập sâu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO