Thưởng Tết với VĐV: Vẫn là câu chuyện cũ

An Chi 26/01/2016 06:57

Các VĐV tập luyện, thi đấu quanh năm suốt tháng, nên ai cũng mong có một khoản thưởng gọi là khích lệ, động viên tinh thần khi Tết đến. Thế nhưng, đã trở thành một “truyền thống”, cứ hết năm này sang năm khác, thưởng Tết vẫn là điều gì đó rất xa xỉ của thể thao Việt Nam (TTVN), năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Thưởng Tết với VĐV: Vẫn là câu chuyện cũ

Thưởng Tết vẫn là điều gì đó xa xỉ với thể thao Việt Nam.

Chỉ trông chờ tiền thưởng SEA Games

Năm 2015, TTVN tham dự nhiều giải đấu, nhưng trọng tâm nhất và giành nhiêu huy chương nhất chỉ có SEA Games.Giải đấu này đã diễn ra từ giữa năm tại Singapore.

Tại SEA Games 28, mỗi VĐV giành HCV sẽ được thưởng số tiền lên đến 80 triệu đồng.Đây là mức thưởng cao nhất từ trước tới nay mà một VĐV có thể giành được tại một kỳ SEA Games. Mức thưởng trên bao gồm 45 triệu đồng thưởng cứng theo quy định của Nhà nước và 53 triệu đồng đến từ các nhà tài trợ. Ngoài ra, hầu hết các địa phương góp quân tham dự SEA Games 28 cũng đều có khoản tiền thưởng riêng cho VĐV đạt huy chương.

Với thành tích 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ và các kỷ lục SEA Games được phá, thông tin từ Tổng cục TDTT, tổng tiền thưởng dành cho các VĐV lên tới 15,2 tỷ đồng. Sau khi tổng kết thành tích, tiền thưởng của từng tuyển thủ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân. Đây được xem là lần có thưởng sớm nhất từ trước tới nay của TTVN.

Tại SEA Games 2015, một trong những mong chờ của VĐV chính là các hiện vật xe máy, tivi LED 40 inch mà các Mạnh Thường Quân hứa trao thưởng. Với các VĐV đoạt HCV được nằm trong diện nhận xe máy, họ có thể lựa chọn nhận tiền mặt quy đổi tương đương số xe máy mình nhận thưởng (20 triệu đồng/xe). Ví dụ như trường hợp của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đoạt 8 HCV là có 8 xe máy. Nhưng cô không lấy một lúc 8 chiếc xe máy được nên quy đổi thành tiền mặt tương đương 160 triệu đồng.

Ánh Viên cũng là VĐV có tiền thưởng nhiều nhất tại SEA Games vừa qua. VĐV người Cần Thơ nhận 525 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo ước tính, cả tiền mặt lẫn hiện vật của phần thưởng của Ánh Viên có thể lên tới gần 4 tỷ đồng. Theo thống kê, kể từ năm 2013 đến nay, mỗi năm tay bơi sinh năm 1996 đều “gặt” được ít nhất nửa tỷ đồng tiền thưởng thành tích.

Sau Ánh Viên, những VĐV như Đinh Phương Thành, Hà Thanh (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quý Phước (bơ), Thuý Vi (wushu)… cũng được nhận trên dưới 100 triệu đồng, chưa kết hiện vật.

Như vậy, với các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 28, họ cũng đã có một năm “no ấm”. Tuy nhiên, không phải ai dự SEA Games cũng đều có huy chương, nên khi trở về từ SEA Games, họ chỉ biết trông chờ vào tiền chế độ ở trên tuyển (chỉ 3-4 triệu/tháng). Còn những VĐV chỉ giành HCB, HCĐ có số tiền thưởng vài chục triệu đồng cũng chẳng đáng là bao, có người thậm chí còn không gửi được về cho gia đình khi cần phải mua sắm nhiều thứ cho bản thân.

Một VĐV ở đội tuyển karate than thở: “Năm nào có SEA Games còn trông chờ vào tiền thưởng, còn các năm khác coi như chỉ tập chay. Năm nay do SEA Games diễn ra sớm nên đến cuối năm, hầu hết các VĐV đều… cháy túi khi về quê.

Đừng hỏi em chuyện… thưởng Tết!

Năm nào cũng vậy, chuyện thưởng tết với các VĐV vẫn là những câu chuyện buồn. Như đã nói ở trên, với các VĐV thành tích cao, năm có Đại hội thể thao lớn mới may ra có tiền mang về gia đình. Đó là những VĐV có huy chương nên ít nhiều còn có “của để dành”. Còn lại, với đa phần các VĐV, chỉ được hưởng lương bình thường theo chế độ Nhà nước hay địa phương. Với các VĐV trẻ thậm chí còn “thảm” hơn, khi không được bất cứ khoản nào.

Có những VĐV sau nhiều năm thi đấu thể thao vẫn buồn rầu nói rằng: “Thưởng Tết là gì ạ? Bao nhiêu năm tập luyện, bọn em chưa bao giờ được nhận khoản này. Nếu năm nào có sự kiện thể thao lớn, bọn em cố gắng tập luyện và giành huy chương thì còn có tiền thưởng theo quy định. Còn rơi vào năm không có sự kiện gì thì coi như tập chay”.

Không có tiền thưởng Tết trên tuyển, các VĐV cũng chỉ biết hy vọng vào chế độ của các đơn vị chủ quản. Tuy nhiên với những VĐV thuộc các môn thể thao, dù là ở cấp độ đội tuyển thì cũng chỉ dao động vài trăm ngàn đồng, cá biệt có những trường hợp chỉ được nhận gói kẹo, hộp quà nhỏ để mang về quê.

Một VĐV tâm sự: “Tết đến, ai cũng háo hức muốn về nhưng chẳng mấy ai có vài triệu biếu bố mẹ hay mua quần áo mới cho các em”.

Cũng theo VĐV này, thường các đội tuyển được nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Với những VĐV nhà gần thì về ăn Tết cùng gia đình, chứ những VĐV ở xa, có năm phải ở lại trung tâm vì đi lại tốn kém. Với đa phần các VĐV, đều về nhà với cảm giác ngậm ngùi, tủi thân vì công sức bỏ ra cả năm trời, chẳng được đền đáp bao nhiêu.

VĐV wushu Dương Thuý Vi cho biết: “Đến thời điểm này chưa thấy ai nói gì tới chuyện thưởng Tết, nhưng gần như chắc chắn không có đâu vì chưa năm nào các VĐV được thưởng. Điều này thì chúng tôi cũng quen rồi…”.

Nghiệp VĐV thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ nhưng ngay cả cái Tết, cũng không được như mặt bằng chung của xã hội. Thế mới thấy, trong hoàn cảnh đó mà các VĐV vẫn nỗ lực tập luyện, rồi mang vinh quang về cho Tổ quốc, thật đáng quý và trân trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng Tết với VĐV: Vẫn là câu chuyện cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO