Thường Tín (Hà Nội): ‘Về đích’ sớm 1 năm trong mục tiêu xây dựng Nông thôn mới

Thanh Bình 19/07/2021 21:34

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã đạt và vượt mục tiêu đề ra trước 1 năm góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Lãnh đạo huyện thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại xã Hòa Bình.

Trao đổi với PV, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân huyện Thường Tín đã có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, công tác xây dựng nông thôn mới được cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thời gian qua, Huyện Ủy, UBND, HĐND huyện đã quyết liệt chỉ đạo ngay từ khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 10 năm thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân, Chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét: Nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện người dân đồng lòng, hưởng ứng và nhận thức rõ vai trò trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã có chuyển biến rõ rệt, người dân đã tự phân loại rác thải góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Phong trào xây dựng tuyến đường nở hoa được người dân tích cực hưởng ứng góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường gắn với xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Lễ đón nhận huyện nông thôn mới năm 2020.

Những con đường rợp sắc hoa và đoạn đường tranh tường bích họa với tổng diện tích tranh tường 1.740 m2 tại 15 xã Duyên Thái, Hà Hồi, Liên Phương, Chương Dương, Nguyễn Trãi, Quất Động, Vạn Điểm, Thị trấn, Hòa Bình, Hồng Vân, Ninh Sở, Nhị Khê, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên, Văn Bình do đoàn thanh niên thực hiện đã góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường đồng thời làm thay đổi cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn.

Hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức, bộ máy chỉ đạo, thực hiện Chương trình từng bước hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã phát triển sâu rộng và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong 10 năm qua trên địa bàn huyện đã huy động được người dân đóng góp 187.952 ngày công, hiến 2.820 m2 đất thổ cư, 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, 638.095 triệu đồng tiền mặt, hiện vật… để xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hộ dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu là Bà Đinh Thị Bằng, thôn Trần Phú xã Minh Cường đã đóng góp trên 23 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và ông Phạm Văn Sự thôn Kỳ Dương xã Chương Dương đã hỗ trợ 2,5 tỷ làm 1 tuyến đường 600m và hệ thống điện chiếu sáng và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phong trào kết hợp Doanh nghiệp đóng trên địa bàn chung sức xây dựng nông thôn mới cũng diễn ra rất sôi nổi, tiêu biểu là Công ty Giấy Vạn Điểm đã chung sức xây dựng tuyến đường tại xã Vạn Điểm với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, phong trào Quân và Dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư đảm bảo bảo an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước.

Nổi bật là 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm đã xây dựng xong đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% các tuyến đường ngõ, đường xóm đã được xây dựng và đảm bảo sạch, không lầy lội vào mùa mưa. 100% các tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát. Đến nay có 79/88 trường đạt chuẩn quốc gia. Kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 16,83% năm 2010 xuống còn 4,95% năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hoá tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thuỷ sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện có 14 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò trong tổ chức,chỉ đạo sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp. Chương trình OCOP đã thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế từng địa phương.

“Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đã đạt 55,1 triệu đồng/người/năm tăng gấp 4,1 lần so với năm 2010, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,6% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường”, ông Kiều Xuân Huy cho hay.

Với những thành tích đạt được trong việc xây dựng nông thông mới, huyện Thường Tín đã vinh dự được các cấp từ Trung ương, Thành phố trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cho 17 tập thể và 39 cá nhân ghi nhận những thành tích đã đạt được. Đặc biệt năm 2019 huyện Thường Tín đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường Tín (Hà Nội): ‘Về đích’ sớm 1 năm trong mục tiêu xây dựng Nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO