Thủy tiên...

Phố Hoa 24/01/2020 09:58

Tôi đến với thú chơi hoa thủy tiên tao nhã của người Hà Nội từ một dịp rất tình cờ, do cô em tôi giới thiệu. Thực lòng, tôi cũng hơi có chút ngại ngần vì nghe nói chơi loại hoa này kỳ công lắm. Ngày xưa, chỉ có những cụ ông cao tuổi, nho nhã mới hay tự tay gọt thủy tiên chơi Tết. Còn tôi, tôi chỉ là một cô gái trẻ, cuộc sống lại chưa có nhiều trải nghiệm và cũng không kiên nhẫn cho lắm. Nhưng rồi chính vì trẻ, độ liều cao nên tôi đã liều lĩnh quyết định thử dấn thân. Tôi quyết tâm tự mày mò trên mạng và tìm thầy để học hỏi, những mong sớm chinh phục được “nàng tiên nước” xinh đẹp này.

Thủy tiên...

1. Tôi mua một loạt củ, bình dưỡng, bình gốm, lọ thủy tinh, phụ kiện trang trí cho thủy tiên và bắt tay vào tập gọt hoa cho vụ Tết. Muốn có hoa nở đúng dịp Tết là phải căn ngày giờ cẩn thận. Tùy theo chất lượng củ và thời tiết để tính ngày sao cho sát. Thông thường, một củ hoa nếu gọt tỉa và nuôi dưỡng thành công mất khoảng hai mươi ngày sẽ nở hoa. Cũng có củ mười lăm, mười bảy ngày đã nở hoặc hơn một tháng hoa mới nở. Khi cần hãm tốc độ thì có thể đặt bình hoa vào chỗ mát, thường xuyên thả đá lạnh vào trong bình nước dưỡng cũng kéo dài được thêm đôi ba ngày. Ngược lại, nếu muốn hoa nở sớm hơn thì kích nở bằng cách sưởi ấm cho hoa.

Để có được một bình hoa thủy tiên thành phẩm và đẹp như một tác phẩm nghệ thuật phải trải qua rất nhiều bước tỉ mỉ. Nếu ai không đủ đam mê thì thực khó mà theo được. Đầu tiên là khâu chọn củ. Chọn củ theo cảm quan và kinh nghiệm của mỗi người sao cho củ có chất lượng tốt. (Cái này khá khó vì chất lượng thực tế nằm bên trong củ, nhìn bên ngoài chỉ có thể đánh giá tương đối thôi. Nhiều người chơi thủy tiên lâu năm vẫn mua phải lô củ xấu là chuyện rất bình thường. Nên tôi vẫn hay gọi vui hoa này là “hoa duyên” - phải đủ duyên mới làm được hoa đẹp. Cũng có khi gọi nôm na, vui vui là hoa “hên xui”, bởi tay nghề và kinh nghiệm là một chuyện. Không may vớ phải lô củ kém chất lượng hoặc gặp thời tiết xấu thì cũng hỏng).

Chọn củ còn chọn theo hình dáng củ nếu muốn tạo hình theo một ý tưởng nào đó của người chơi: Con thiên nga, giỏ hoa, hình bán cầu, suối hoa, thác đổ…Người chơi hoa càng giỏi, thì bình hoa càng sinh động và đẹp mắt. Chọn được củ đáp ứng được tương đối hai tiêu chí trên rồi thì bắt tay vào công đoạn gọt tỉa.

Củ thủy tiên có hình dáng giống như củ hành tây, phía dưới đáy củ có một nắm đất nhỏ để nuôi củ trong một thời gian nhất định. Những Hoa Kiều sống lâu năm ở nước ngoài thường rất trân trọng phần đất này. Có người còn cẩn thận gỡ nắm đất ra, bọc vào một tấm khăn gấm, đặt lên bàn thờ tổ tiên để răn dạy con cháu luôn hướng về Tổ quốc. Từng củ được bọc trong một túi lưới, xếp gọn gàng trong thùng cho dễ bảo quản và vận chuyển. Dùng kéo cắt bỏ lưới, gỡ nhẹ nắm đất ra, bóc bỏ các lớp vỏ khô bên ngoài đến khi lộ ra lớp vỏ trắng, tươi bên trong là được. Vệ sinh phần đế củ, loại bỏ các rễ khô héo. Trong quá trình vệ sinh đế, cần tránh tác động vào vầng rễ của củ để không ảnh hưởng tới bộ rễ của hoa sau này. Bởi rễ thủy tiên cũng là một bộ phận quan trọng làm nên vẻ đẹp hoàn mỹ và kỳ ảo của một bình hoa thủy tiên.

Có nhiều phương pháp gọt, trong đó phổ biến là “gọt ướt” và “gọt khô”. Mỗi cách đều có ưu, nhược điểm riêng. Ai quen cách nào thì thì cứ theo cách đó mà làm. Thỉnh thoảng cũng có người tìm tòi, thử nghiệm tìm ra cách gọt mới.

Sau khi gọt để lộ ra hàng bào mầm sạch như ngọc, trong như tuyết, mọc ở giữa lá, có thể xén lá, cạo cuống hoa luôn để khống chế chiều cao và tạo hình cho hoa lá, cũng có thể ngâm cầu xả nhớt sau khoảng hai ngày, lá và cuống hoa phát triển cứng cáp hơn càng dễ thao tác.

Rửa sạch củ hoa nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy rồi mang ngâm úp vào bát nước sạch gọi là “ngâm cầu” để xả nhớt từ vết cắt gọt ứa ra. Mỗi ngày rửa sạch nhớt ở củ trung bình hai lần. Dùng tay kỳ cọ nhẹ nhàng. Cần chú ý nguồn nước để ngâm, dưỡng thủy tiên. Ngày xưa các cụ cẩn thận chỉ dùng nước mưa để ngâm dưỡng. Giờ nước mưa hiếm mà có khi còn bị ô nhiễm nên có thể dùng nước máy lọc qua màng lọc RO hoặc nước máy đã bay hết mùi clo cũng được. Sau khoảng hai đến ba ngày, thấy củ sạch nhớt thì chuyển sang giai đoạn dưỡng. Mỗi ngày dù trời nóng hay lạnh đều phải rửa củ hoa và bình sạch sẽ. Sau đó lại thay nước sạch vào bình hoa.

Khi lá bắt đầu lên xanh và mềm mại, dùng tay uốn nhẹ nhàng từng lá, gài vào các móng rồng hoặc kẽ lá khác để cố định dáng lá. Tùy theo ý tưởng tạo hình của người chơi mà trong suốt quá trình dưỡng, người đó sẽ cạo, uốn cần hoa, lá theo ý của mình. Sau khoảng 15 -17 ngày, bao hoa sẽ tự xé ra. Ngày thứ 19 - 20, hoa sẽ hé nở. Lúc này, người chơi có thể chuyển hoa sang các bình thủy tinh, gốm sứ. Có thể kết hợp cùng các phụ kiện phù hợp để tạo nên những tác phẩm hoa thủy tiên nghệ thuật, độc đáo, có một không hai, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào cả…

Mùa hoa thủy tiên là mùa đông và xuân, kéo dài từ khoảng tháng mười năm này đến hết tháng tư năm sau. Tháng đầu thì củ hơi non, gọt và chăm đều khó. Tháng cuối thì củ lại gần hết chất dinh dưỡng. Nếu bảo quản không tốt cũng dễ hỏng củ.

2.…Sau mùa hoa đầu tiên bị thất bại, đến mùa hoa thứ hai, tôi đã có thể không cần đợi tĩnh tâm mới gọt. Có những thời điểm mà áp lực cuộc sống, công việc, gia đình, tình cảm cùng một lúc bủa vây lấy tôi nhưng tôi vẫn điềm tĩnh bật lên bản nhạc tôi yêu thích, đeo tai nghe vào, cầm dao lên gọt củ thủy tiên trắng đêm. Và tôi cũng đã có được những bình hoa thủy tiên của riêng mình, tuy chưa dám nhận là đẹp nhưng cũng đã “có sự tiến bộ vượt bậc” - như lời nhận xét của một trong những người chơi hoa thủy tiên có tiếng trong hội “Tinh Hoa Thủy Tiên Việt” đã phần nào ưu ái dành tặng cho tôi.

Ngày trước, củ thủy tiên hiếm thành ra rất đắt đỏ. Phải là những người khá giả mới dám chơi thủy tiên và dám mua hoa thủy tiên về chơi. Thế nên mới có câu: “Muốn chơi thủy tiên thì phải có “vàng”. “Vàng” ở đây đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa là vừa phải có tiền để mua củ gọt chơi, vừa phải có rất nhiều thời gian để gọt tỉa, nuôi dưỡng và tạo hình. Vì quý hiếm nên người chơi chỉ dám mua một vài củ, gọt rất cẩn thận, tính toán ngày giờ rất kỹ, cạo hoa, xén lá rất tỉ mỉ để mong hoa nở đúng đêm giao thừa, hy vọng gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Bởi người ta quan niệm hoa thủy tiên có tác dụng khử tà và làm tăng thêm tài khí cho gia đình.

Bẵng đi một thời gian khá dài, hoa thủy tiên chìm nghỉm trong trong hằng hà sa số các giống hoa nội, hoa ngoại ngày Tết. Chỉ còn lại một số cụ cao tuổi vẫn nhớ, vẫn thèm cái làn hương dịu ngọt, thanh tao, cái sắc trắng tinh khôi ôm lấy nhụy hoa màu vàng của nàng tiên nước mà nhất định dặn con cháu phải tìm bằng được hoa thủy tiên về cho cụ bày lên ban thờ gia tiên, cùng với đĩa cam Canh, bưởi Diễn, trong bảng lảng khói trầm hương ấm quyện thì cụ mới thỏa lòng, mới là có Tết.

Cũng bởi hoa thủy tiên quá khó, quá kỳ công nên không phải ai cũng chơi được. Rất may là những năm gần đây, thú chơi tao nhã này đang dần được khôi phục và phát triển. Điều thú vị nhất là ở chỗ: những người có công đưa thủy tiên hồi sinh trở lại không phải là các cụ già cao tuổi mà lại là giới trẻ với nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Họ tự thành lập hội - nhóm yêu hoa thủy tiên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chơi hoa và những tác phẩm hoa thủy tiên đẹp mắt.

Tôi không cố ý tô vẽ, ca ngợi, thần tượng hóa, thần bí hóa loài hoa này. Nhưng quả thật, càng đi sâu vào tìm hiểu và trực tiếp có những trải nghiệm đầy “vật vã” sau hai mùa phiêu diêu cùng nàng tiên nước, tôi đã nghiệm ra rằng: Bản thân tôi và rất nhiều người sau một thời gian chơi thủy tiên, tính tình dường như có chút sâu lắng hơn, bình tĩnh hơn, chịu được áp lực cuộc sống tốt hơn. Học gọt thủy tiên cũng là học “gọt giũa” chính bản thân mình, thì mới mong có được sự trong sáng, thuần khiết.

Như là hoa thủy tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy tiên...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO