Tiêm hay không tiêm vaccine?

Đức Trân 16/05/2019 09:27

Vaccine là một trong những thành tựu lớn nhất về y học của nhân loại, những thành quả to lớn mà vaccine mang lại đã giúp loại bỏ, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở trẻ em. Theo các chuyên gia y tế, khi không đủ 85% dân số tiêm chủng thì những dịch bệnh tưởng chừng đã bị đẩy lùi sẽ quay trở lại. Phong trào Anti-vaccine được xem như vấn nạn toàn cầu, đe dọa sức khỏe toàn nhân loại.

Tiêm hay không tiêm vaccine?

Phong trào "anti-vaccine" khiến dịch sởi quay lại tấn công Châu Âu và nước Mỹ.

Vaccine và Anti-vaccine

Vaccine là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất được trải qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, quá trình thử nghiệm lâm sàng, kiểm định chất lượng và tính an toàn nghiêm ngặt rồi mới được cấp phép lưu hành. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các lô vaccine được kiểm định, và chỉ những lô đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng. Vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vaccine mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra.

Mặc dù vậy, tình trạng trì hoãn và không tiêm chủng vẫn diễn ra trong cộng đồng bởi nhiều lý do. Theo thống kê của Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc các phụ huynh ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch. Trẻ cần tiêm chủng các mũi vaccine cơ bản ngay trong các tháng đầu đời để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan B, lao, bại liệt, ho gà, bạch hầu, sởi... Song đây cũng là khoảng thời gian trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá với đa phần biểu hiện nhẹ. Trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng để đưa ra chỉ định phù hợp với tình trạng sức khỏe. Mặc dù vậy, nhiều bậc phụ huynh vẫn ngần ngại không đưa con đi tiêm chủng. Sự trì hoãn đã khiến nhiều trường hợp đáng tiếc mắc bệnh khi trẻ ở trong độ tuổi tiêm vaccine. Đồng thời một số nguyên nhân được nhắc đến như chưa nắm được lịch tiêm chủng hay e ngại phản ứng sau tiêm.

Bên cạnh đó, ở nhiều nơi trên thế giới vẫn có những ông bố bà mẹ không cho con tiêm vaccine bởi suy nghĩ “vaccine chứa những thành phần gây độc hại” và muốn cho con phát triển “thuận theo tự nhiên”. Trên nhiều trang mạng, hội các bà mẹ “anti-vaccine” đã chia sẻ nhiều lo ngại, rằng tiêm vaccine có những biến chứng nguy hiểm như tử vong, sốt, tiêu chảy, vaccine chứa thủy ngân… Một số quan điểm thì cho rằng bú mẹ hoàn toàn là vaccine rồi, không cần tiêm nữa. Số khác cho rằng chỉ cần sống lành mạnh, ăn uống “healthy”, thuận tự nhiên là cơ thể mặc nhiên đã tự phòng và chữa được bệnh. Thực tế, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra ở cả nước ta lẫn nước ngoài do phòng trào này. Đơn cử như vừa qua, tại TP HCM, cháu N.P.Đ. ngụ quận Tân Phú, 28 tháng tuổi sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, mẹ bé cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hai ngày qua. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, từ khi được 4 tháng tuổi đến nay, nghe theo trào lưu “anti-vaccine” trên mạng, chị đã không cho con tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn. Vì vậy chị ở nhà chăm sóc con đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé Đ. vẫn mắc sởi.

Một trường hợp khác tại tiểu bang Oregon (Mỹ) đã suýt mất mạng vì bệnh uốn ván. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, đây là trường hợp trẻ em mắc bệnh uốn ván đầu tiên ở Oregon trong suốt 30 năm qua. Điều đáng nói là cậu bé 6 tuổi đã được các bác sĩ tiêm một liều vaccine phòng uốn ván khẩn cấp sau khi được đưa vào bệnh viện nhưng cha mẹ của cậu bé nhất quyết không cho tiêm liều thứ 2 sau khi cậu bé hồi phục chỉ vì phong trào anti-vaccine.

Khi được hỏi về phong trào nuôi con “thuận theo tự nhiên”, không cho con tiêm vaccine, PGS-TS Trần Minh Điển - Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện nay có một số ít các bà mẹ sử dụng cụm từ “thuận theo tự nhiên”, chúng ta cần phải hiểu thuận theo tự nhiên như thế nào? Ví dụ như cho con bú mẹ và bú trực tiếp trên bầu sữa mẹ là thuận theo tự nhiên. Tuy nhiên, lịch sử y học đã giúp cho tuổi thọ tăng hơn, tỷ lệ trẻ sinh ra sống tăng lên, tỷ lệ tử vong trẻ giảm xuống dựa vào những thành tựu của y học hiện nay, trong đó sáng chế ra các vaccine là những thành tựu cực kỳ quan trọng. Dựa vào vaccine chúng ta đã thanh toán được rất nhiều bệnh mà những bệnh này đã gây đại dịch trên thế giới ví dụ như bệnh đậu mùa. Do vậy, sống vừa thuận theo tự nhiên là những điều đúng đắn, phần khác - chúng ta hãy cho con của mình được hưởng những thành tựu của y học để con sống khỏe hơn. Bạn có thể đến thăm những em bé bị ho gà, hay sởi, hiện đang nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hỏi các bà mẹ con mình tiêm phòng hay không thì sẽ hiểu được không tiêm vaccine cho trẻ sẽ nguy hiểm thế nào.

Bắt nguồn từ Âu Mỹ cách đây 8 thập niên, giờ đây, nhờ sự tiện lợi của các mạng xã hội, sự cổ xuý của những “bác sĩ mạng”, Anti vaccine được xem như một trong những vấn nạn đe doạ tới sức khoẻ toàn cầu trong năm 2019.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng?

Tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống thuận theo tự nhiên” hay không. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vaccine…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Bởi vì một thể trạng sức khỏe tốt nói chung chưa đủ để giúp trẻ thoát khỏi bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chỉ có miễn dịch đặc hiệu với từng bệnh mới giúp trẻ không mắc bệnh đó.

Nước Mỹ đã loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Tuy nhiên, với tình trạng e ngại tiêm chủng của một bộ phận cha mẹ, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, số mắc sởi các tháng đầu năm 2019 tăng mạnh đã khiến dịch sởi bùng phát và tình hình dịch sởi tại quốc gia này hiện nay trở nên tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua.

Tại châu Âu ghi nhận: 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua, trong đó nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...

Ở nước ta, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn 100 trẻ tử vong, khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Đây mãi là bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vaccine sởi.

Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình trạng nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Virus bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%. Giai đoạn trước triển khai vaccine 5 trong 1 thì nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não vi khuẩn là do vi khuẩn Hib chiếm trên 60% trường hợp, tuy nhiên đến nay Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine này giảm xuống, nguy cơ hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.

Như vậy, từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng. Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu. Năm 2018, Ủy ban Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai mạnh mẽ và toàn diện các biện pháp giải quyết tình trạng e ngại và từ chối vaccine dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp, thiết lập cơ sở pháp lý cho tiêm chủng, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêm hay không tiêm vaccine?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO