Tiền công không ai xót

Hà Giang Bài 2: Góc tối nơi miền khó 06/04/2016 09:15

Tiền ngân sách và sự đầu tư kém hiệu quả lâu nay đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Nhưng với một tỉnh nghèo, nhiều dân tộc như ở Hà Giang, vấn đề đầu tư công không đem lại hiệu quả đã trở thành nỗi bức xúc với người dân. Loạt bài này, chúng tôi xin “điểm danh” một số công trình kém hiệu quả trong nhiều các công trình như vậy.

Bài 1: Ngân sách trôi cùng nước

Hà Giang là tỉnh phên dậu nhưng dân còn nghèo. Chính phủ đã dành những nguồn ngân sách để đầu tư cho vùng đất này. Tuy nhiên trong rất nhiều công trình có sử dụng ngân sách Nhà nước đã mang lại hiệu quả thì còn là những công trình đang làm rầu lòng dân, mà trong đó, “nhức mắt” nhất phải kể đến công trình thủy lợi có tên Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên.

Đỏ mắt chờ hiệu quả

Trong các xã hiện có của huyện biên giới Vị Xuyên, Linh Hồ và Ngọc Linh là 2 xã tương đối khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo theo diện mới của Linh Hồ là 30,23%, riêng Ngọc Linh tỷ lệ hộ nghèo còn lên tới 53,8%. Để người dân có cơ hội thoát nghèo, nhiều kế hướng đã được hoạch định tại 2 xã này mà trong đó việc “dẫn thủy, nhập điền” để nâng vụ, diện tích cấy cho dân vẫn được xem là khả thi nhất.

Hơn 7 năm về trước, bằng việc lựa chọn, từ vốn ngân sách Nhà nước, một công trình thủy lợi có tên Ngọc Linh đã được đầu tư cho dân 2 xã này. Đây được coi là công trình lớn, khi số tiền đầu tư lên đến gần 39 tỷ đồng. Công trình được chia thành 2 gói thầu có tên Gói thầu số 1 (trị giá trên 21 tỷ) và Gói thầu số 2 trên 11 tỷ. Chủ đầu tư được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang.

Bằng Quyết định số 1915/QĐ – UBND tỉnh, công trình chính thức được khởi công. Theo như tính toán, sau khi hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào hoạt động sẽ cung cấp nước tưới cho 314 ha lúa hai vụ. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng màu và trồng lúa một vụ sang 2 vụ chiếm 80% diện tích đất canh tác, đồng thời cung cấp nước nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt cho người dân trong vùng dự án…

Được khởi công năm 2009, Gói thầu số 2 bao gồm đập chắn và một phần kênh dẫn đã hoàn thành vào năm 2011. Hợp phần dự án này bắt đầu đem lại lợi ích cho ít ỏi người dân thì sự cố đã bất chợt xảy ra. Chưa đầy 4 năm, sau một đêm mưa, cụ thể ngày 9-8-2015, chân đập đã bị nước “thổi thủng”, toàn bộ hệ thống đập mối, tuyến kênh của Gói thầu số 1 với tổng trị giá trên 11 tỷ đồng này đã “quay lại thuở ban đầu”.

Vuốt những vệt mồ hôi tứa trên khuôn mặt do gánh cỏ quá nặng, anh nông dân có tên Lý Văn Tương, trú tại thôn Nà Lách, ngay sát công trình cho biết: Không biết họ thi công kiểu gì? Chưa dùng được bao lâu đã thủng đáy rồi. Giờ dân không biết lấy nước đâu mà cấy lúa nữa.

Cũng theo anh Tương, hiện nay, ngoài bức xúc của một công trình có dấu hiệu kém chất lượng thì còn là việc đền bù cho dân. Để có tuyến đập mối, kênh mương này, ước chừng có 2 ha đất canh tác của dân bị nhấn chìm vĩnh viễn. Những hộ gia đình này đã được đo đạc, lên kế hoạch đền bù, nhà nhiều khoảng 200 triệu, nhà ít như nhà anh Tương cũng lên đến gần 50 triệu. Nhưng từ khi đo đạc, ký xác nhận đến nay chưa hộ dân nào nhận được tiền đền bù.

Với hơn 11 tỷ đồng tiền ngân sách được “ném xuống” nhưng sau chưa đầy 4 năm Đập thủy lợi Ngọc Linh đã … không tác dụng.

Một dự án khó hiểu

Để làm rõ thêm những dấu hiệu bất thường của Công trình thủy lợi Ngọc Linh, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Linh Hồ. Ông Hà Văn Nguyên, Chủ tịch cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngày 5/10/2015 chúng tôi đã soạn báo cáo số 98/BC – UBND để gửi cho các cấp ngành trong đó có cả Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang – Chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi đem ý kiến và công văn lưu này tới Sở gặp ông Giáp Mai Thùy, Phó giám đốc phụ trách thủy lợi thì ông lại cho rằng chưa nhận, nắm được thông tin và giới thiệu sang gặp ông Nguyễn Song Tứ, Giám đốc Ban quản lý các dự án của Sở. Trong buổi làm việc, ông Tứ cũng cho biết chưa nhận được thông tin về sự cố trên và hẹn sẽ tổ chức đoàn vào khảo sát cụ thể.

Báo cáo gửi UBND xã Linh Hồ gửi Sở NN&PTNT Hà Giang.

Hai ngày sau, theo hẹn với ông Tứ, chúng tôi đến, lại được giới thiệu gặp ông Lê Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án của Sở. Ông Dũng cho rằng, việc đập gặp sự cố là có thật nhưng đây là do thiên tai và Sở cũng đang có kế hoạch trình UBND tỉnh xin ngân sách bổ sung để sửa chữa lại.

Về công tác đấu thầu của Dự án, theo ông Dũng thì đây là công trình đấu thầu rộng rãi và không hạn chế nhà thầu. Tuy nhiên, có điều khó hiểu là sau 1 tháng công bố bán hồ sơ thầu thì mỗi gói thầu chỉ có 5 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu và dự thầu, trong đó có 2 nhà thầu trúng thầu. Xin nói lại, với tỉnh Hà Giang, dự án này là tương đối lớn, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp, đơn vị thi công. Vậy việc chỉ có 5 nhà thầu mua hồ sơ và tham dự thầu đã và đang trở thành câu hỏi của dư luận?

Để rõ thêm và khách quan về chất lượng công trình, chúng tôi tiếp tục xin số điện thoại của Đơn vị thi công Gói thầu số 2 đang gặp sự cố có tên Khánh Vân (Địa chỉ tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) từ ông Nguyễn Song Tứ. Tuy nhiên, khi liên hệ với số điện thoại này để gặp ông Giám đốc Chu Văn Lý thì đã bị ông lên giọng và khẳng định: “Tao chưa bao giờ thi công công trình nào như vậy”! Sau đó, chắc do một số “tác động” nào đó nên lãnh đạo Cty TNHH Khánh Vân đã cử Đội trưởng đội thi công là Nguyễn Văn Phú tìm tới phòng ông Tứ gặp chúng tôi để xin lỗi và cho rằng lãnh đạo Cty… bận nhiều việc nên có trả lời không đúng mực?

Từ việc xử sự này cho thấy, chẳng lẽ Khánh Vân là đơn vị trúng thầu, với gói thầu trên 11 tỷ đồng, mới được Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang tạm ứng gần 10 tỷ đồng thì họ có nhanh quên công trình của mình đến như vậy hay không? Từ việc Công trình thủy lợi Ngọc Linh gặp sự cố kéo dài 1 thời gian mà chủ đầu tư không biết, đơn vị thi công không nhớ công trình của mình… có lẽ cần sự vào cuộc của một số cơ quan, lãnh đạo liên quan tỉnh Hà Giang.

Cần xác định rõ công trình có đảm bảo chất lượng không? Tại sao lại có sự quan liêu trước thông tin của dân, của xã. Không thể mọi sự cố cứ lấy thiên tai làm cớ để sau đó lại lấy tiền ngân sách ra khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền công không ai xót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO