Tiền đề phát triển kinh tế

T.Hằng 11/09/2018 07:40

Quy mô nền kinh tế của nước ta đã được mở rộng, đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua dù chưa thực sự cao, song lại xuất hiện những điểm sáng không thể phủ nhận – Giới chuyên gia kinh tế nhận định.

Tiền đề phát triển kinh tế

Nhiều khu vực kinh tế của nước ta đang tăng trưởng tốt.

Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành về báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016-2020).

Theo đó, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 tăng lên 6,81% (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra) và ước tính năm 2018 đạt 6,7%.

Trong giai đoạn 2016-2018, đà tăng trưởng bình quân GDP đạt 6,57% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5%-7%/năm).

Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 sẽ đạt 6,9%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm (6,5%-7%).

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.215 USD/người năm 2016 (tăng 106 USD); 2.389 USD/người năm 2017 (tăng 174 USD) và ước tính đạt 2.540 USD/người năm 2018 (tăng 151 USD), gấp 1,21 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua không cao song có nhiều điểm sáng. Trong đó có thể kể đến những việc như cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và hình thành tổ công tác để giải quyết những điểm nghẽn, khai thông chính sách vừa qua đã có những kết quả rất đáng trân trọng.

Trong thời gian gần đây, nhiều khu vực kinh tế tăng trưởng tốt, ví dụ như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, và tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ đã tạo động lực rất tốt để gia tăng chất lượng tăng trưởng kinh tế, từ đó thúc đẩy tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong giai đoạn từ nay tới năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cần phải tập trung cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền đề phát triển kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO