Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hữu Long: Cần nhìn vấn đề một cách tích cực

Việt Quỳnh (thực hiện) 19/05/2021 10:30

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long chia sẻ những phương cách làm sao để chúng ta hòa hợp với hoàn cảnh mới, khi những thay đổi của xã hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hữu Long.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hữu Long hiện là Trưởng khoa Lý luận và Khoa học Cơ sở, Phó Giám đốc Phân viện Miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Đã tham gia nhiều diễn đàn, chương trình, hội thảo cũng như các talkshow trên truyền hình về tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long chia sẻ những phương cách làm sao để chúng ta hòa hợp với hoàn cảnh mới, khi những thay đổi của xã hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.

Thưa anh, thời gian đầu khi thế giới cũng như nhịp sống quanh mình chuyển sang một diễn tiến mới khi liên quan đến dịch bệnh, anh đã cảm nhận ra sao?

- Đúng là trong hơn hai năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống và công việc của chúng ta. Thời gian này, dịch vẫn tiếp tục và chuyển sang diễn tiến mới, bản thân tôi cũng đã quen với việc thay đổi và bắt đầu lên kế hoạch để thích nghi trong giai đoạn bình thường mới này. Tôi nghĩ, mỗi người cũng phải học cách chấp nhận để tự mình có tâm lý thoải mái thì mới tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đó cũng là cách tốt nhất để chống lại sự xâm nhập của virus gây bệnh.

Dường như dịch bệnh vẫn sẽ kéo dài và biến chủng virus gây ra Covid-19 ngày càng dễ lây nhiễm, nguy hiểm cho tính mạng hơn?

- Theo những gì đang diễn ra thì rõ ràng tình hình dịch bệnh chắc sẽ còn kéo dài vì diễn biến ngày càng phức tạp, khi chúng ta chưa kiểm soát được nguồn gốc lây bệnh và tốc độ lây lan ngày càng nhanh của biến chủng virus gây ra Covid-19, chỉ hy vọng chúng ta nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.

Kéo theo đó là nhiều bất ổn tâm lý xuất hiện trong đời sống hàng ngày ra sao thưa anh?

- Tâm lý thường thấy trong thời gian gần đây là lo lắng kéo dài dẫn tới những rối loạn cảm xúc như bất an, lo âu thái quá, hoang mang khi nghe thông tin dịch bệnh ngày càng nhiều. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới công việc và kinh tế từ đó kéo theo những mâu thuẩn có thể nảy sinh trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó chúng ta có thể nhìn vấn đề tích cực hơn thì việc phòng tránh dịch ở nhà thì mỗi gia đình có cơ hội gắn kết nhiều hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn, mối quan hệ cũng thắt chặt hơn. Ví như ba mẹ có thời gian chăm sóc và hiểu con nhiều hơn. Đó là mặt tích cực của việc nghỉ dịch. Nếu chúng ta suy nghĩ tích cực, nhìn nhận vấn đề bao quát và chấp nhận thực tế thì mọi việc sẽ đón nhận mọi việc dễ dàng hơn

Nhiều thói quen về hưởng thụ sẽ thay đổi, chúng ta cần thích nghi, hòa hợp với hoàn cảnh mới thế nào?

- Về mặt tự nhiên thì con người chúng ta có khả năng thích nghi, ở đâu quen đó. Vì vậy, lúc này mỗi cá nhân cần phải tự tập luyện cho mình các thói quen tích cực để thích nghi với tình hình thực tại. Có những thứ đến với chúng ta từ yếu tố khách quan mà chúng ta sẽ không mong muốn nhưng nếu cứ lo sợ, hoảng loạn thì sẽ làm cho vấn đề thêm phức tạp. Ứng phó với dịch bệnh hay bất cứ vấn đề gì cũng cần mỗi người phải bình tĩnh, cận thận và đủ sự hiểu biết để phòng tránh.

Chắc chắn là có nhiều thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, hiện tại chúng ta vẫn đang đề cao việc thực hiện thông điệp 5K, tích cực phòng dịch, hạn chế tập trung đông người. Cho nên các dịch vụ vui chơi giải trí phải thay đổi theo hướng hoạt động trực tuyến nhiều hơn. Bản thân chúng ta cũng phải chủ động lên kế hoạch bản thân và gia đình vui chơi giải trí an toàn trong giai đoạn này. Đây là thời gian để gắn kết nhiều hơn giữa các thành viên trong gia đình, đó có thể là những bữa ăn cùng nhau nấu, cùng nhau ăn, cùng làm việc nhà, cùng luyện tập thể dục thể thao… Có nhiều cách để hưởng thụ cuộc sống, quan trọng là cảm nhận của mỗi cá nhân, suy nghĩ sẽ tạo nên cảm xúc, mình chấp nhận và vui với hoàn cảnh hiện tại thì sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Dịch bệnh thời gian qua cũng đã ảnh hưởng tới cuộc sống của anh ở những điểm gì?

- Cái gì cũng có hai mặt của nó, rõ ràng dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới công việc, mình chuyển sang dạy trực tuyến nhiều hơn là trực tiếp, nhiều chương trình, hoạt động cho sinh viên không diễn ra trực tiếp được mình cũng đang cố gắng chuyển sang hoạt động trực tuyến. Mặc tích cực mình cảm nhận được là mình có nhiều thời gian ở bên gia đình hơn, gắn kết và hiểu các con hơn, các con cũng mến mình nhiều hơn trước. Dịch bệnh giúp mình sống chậm lại để có nhiều cảm nhận được nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Anh làm thế nào để hòa hợp, thích ứng dần với tình hình mới?

- Điều quan trọng là thay đổi suy nghĩ của bản thân, biết buông bỏ bớt những công việc, những nhu cầu không cần thiết, biết chấp nhận và suy nghĩ tích cực lạc quan. Kế đến là thay đổi những thói quen hàng ngày để thích ứng dần với tình trạng bình thường mới. Tôi phân chia và tách các đầu việc riêng biệt để có cách xử lý phù hợp với từng loại công việc khác nhau. Ví như việc quản lý ở cơ quan thì chuyển qua bằng hình thức email, các phần mềm quản lý. Hay tôi xác định đây là thời điểm để ngồi viết báo, viết sách, soạn bài giảng, thực hiện đề tài nghiên cứu. Các việc cần phải gặp gỡ, trao đổi thì có thể hoãn đợi tình hình ổn định sẽ tiếp tục thực hiện. Bản thân cũng phải rèn các thói quen như rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang thường xuyên khi ra khỏi nhà,… ăn uống cẩn thận, nghỉ ngơi đủ.

Như anh nói, quan trọng nhất vẫn là tinh thần tích cực của cá nhân, khi mình bắt đầu quen thuộc với những trạng thái liên tục bất thường để trở thành bình thường? Là một nhà tâm lý, anh có thể chia sẻ điều này?

- Chính xác là tinh thần và suy nghĩ của mọi người, như mình đã chia sẻ, đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, thay đổi từ nhận thức tới thái độ và hành vi. Một hành vi tích cực được lập đi lập lại nhiều lần thì sẽ trở thành kỹ năng tốt giúp mình thích ứng với sự thay đổi, để có cuộc sống bình thường trong giai đoạn bất thường. Tùy từng độ tuổi, đặc thù công việc mà mỗi người chủ động sắp xếp, cân nhắc để rèn luyện thói quen. Học cách chấp nhận và thừa nhận vấn đề đang xảy ra dù không ai mong muốn. Bởi một khi chúng ta biết chấp nhận và thừa nhận là chúng đã sẵn sàng cho sự thay đổi và cũng sẵn sàng để thích nghi. Bên cạnh đó, việc duy trì bầu không khí tích cực trong gia đình sẽ là “liều thuốc” tốt nhất để mỗi thành viên tăng sức đề kháng, tăng khả năng thích nghi vì luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc,… Mặt khác, hơn lúc nào hết đây là thời điểm để mỗi cá nhân có dịp nhìn lại những việc mình làm, nhìn về hướng đi sắp tới,… để có sau đó sẽ có những quyết định sáng suốt cho tương lai của mình, của gia đình mình và cho tổ chức.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hữu Long: Cần nhìn vấn đề một cách tích cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO