Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Học cách 'uốn lưỡi bảy lần' khi bình phẩm trên mạng

Quỳnh Trang (thực hiện) 24/09/2018 15:00

Thời đại này, thay vì “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, có lẽ chúng ta phải học cách kiểm tra ngữ cảnh và nguồn tin bảy lần trước khi phản ứng và chia sẻ, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu.

Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Học cách 'uốn lưỡi bảy lần' khi bình phẩm trên mạng

TS Nguyễn Thị Thanh Lưu, sinh năm 1983, từng công tác tại Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chia sẻ.

“Bạn bè trên mạng của tôi cũng như tôi không nằm ngoài mối quan tâm chung đó. Tuy nhiên, rất “lạ” là hầu hết những người đồng nghiệp có chuyên môn về ngôn ngữ học trong friendlist của tôi lại im lặng không lên tiếng, trong khi đó, những người không có chuyên môn lại sốt sắng phản ứng và nhiều người trong số họ phản ứng thái quá. Tôi thấy ái ngại cho tình trạng này, vì cứ như thế thì những cuộc tranh cãi sẽ không dẫn đến đâu vì người biết thì lẳng lặng không giải thích, khiến cho người chưa biết lại càng có cớ để nghi ngờ và phẫn nộ, bực dọc vì những câu hỏi treo ngay trước mắt mà không có câu trả lời thoả đáng”.

PV: Vẫn là câu chuyện không mới, khi từ một video dạy trẻ đánh vần, từ đường link không chính thống đưa tin, nhưng người ta lại phản ứng rất gay gắt, bộc lộ cảm xúc tiêu cực và có những lời lẽ nhục mạ thô thiển với đối tượng bị “chỉ mặt đặt tên”?

TS Nguyễn Thị Thanh Lưu: Các cơn bão mạng dường như có chung một nguyên lí hình thành: một lát cắt nóng dễ gây shock nào đó của đời sống (dưới dạng ngôn ngữ hoặc hình ảnh) được tung ra và thường là thiếu vắng ngữ cảnh và nguồn gốc gây ra làn sóng phản ứng nhanh và mạnh từ cộng đồng mạng xã hội, dội ngược trở về đời sống, lan toả mạnh hơn và cứ thế bùng phát.

Điều đáng nói là khi bị cuốn vào đó, đám đông dường như hoàn toàn mất ý thức xác định ngữ cảnh, xác minh nguồn tin để hiểu cho đúng cái lát cắt gây shock được tung ra trước khi phản ứng. Tôi đã quan sát thấy có những người chia sẻ những cảnh tượng khó tin trong một bộ phim rồi lên án xã hội cứ như thật vì họ ngây thơ không biết đó chỉ là cảnh trong phim chứ không phải đời thật. Thao tác xác định ngữ cảnh và xác minh nguồn tin là cực kì cần thiết khi sử dụng tin tức trên mạng xã hội, nhưng tiếc thay đó là lại chưa phải là thói quen của đa số người dùng mạng xã hội.

Mạng xã hội với cách thức mỗi cá nhân là một nguồn tin, một mắt xích đưa tin đã tạo ra ảo giác đối với tin tức cho những người tham gia. Tin tức thừa mứa đến độ người ta có cảm tưởng nó là cái gì đó rất dễ dàng có được, thế cho nên người ta nảy sinh tâm thế dễ dãi với tin tức, dễ dãi với chính mình khi tiếp cận thông tin. Tốc độ chia sẻ tin tức chóng mặt thúc giục cư dân mạng phản ứng nhanh và đó cũng chính là một yếu tố đồng loã với sự dễ dãi trong việc đọc và chia sẻ trên mạng xã hội. Một mẩu tin được bắn lên mạng xã hội, đám đông đọc nhanh, phản ứng ngay tắp lự và cũng ngay lập tức lan truyền cảm xúc bột phát của họ chỉ bằng một cú nhấp chuột. Tôi phải thú thật là tôi cũng không ít lần chia sẻ nhầm những thông tin chưa được kiểm chứng, dù tôi tự đánh giá mình cũng là người cẩn trọng trong việc tiếp nhận thông tin. Khi biết mình chia sẻ nhầm, tôi lập tức thông báo với bạn bè về nhầm lẫn của mình, để tránh sự hiểu nhầm lan rộng ra, rồi xoá link ngay. Mỗi một lần vấp là một lần mình rút kinh nghiệm trên thế giới mạng nhan nhản fake news như hiện nay.

Thời đại này, thay vì “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, có lẽ chúng ta phải học cách kiểm tra ngữ cảnh và nguồn tin bảy lần trước khi phản ứng và chia sẻ, để tránh tối đa những giận dữ không cần thiết hoặc tệ hơn là sai trái, đối với những đối tượng ở giữa tâm bão.

Thưa chị, thật tiếc khi thời gian qua, những tranh luận vô nghĩa thiếu hiểu biết đó lại có sự tham gia của rất nhiều người thuộc giới trí thức và người làm báo?

- Tôi có thấy và tôi không thấy shock hay ngạc nhiên gì, vì thực ra trí thức là nói chung chung thế thôi, chứ mỗi người một lĩnh vực chuyên môn, không ai là ông biết tuốt cả. Cho nên một nhà thơ có thể hiểu nhầm những kiến thức về xây dựng, một kĩ sư IT có thể hiểu nhầm những chuyện thuộc lĩnh vực ngôn ngữ. Đó là chuyện bình thường. Cái không bình thường là những người không có chuyên môn thì lên tiếng rất hăng say, còn những người có chuyên môn thì phần đông lại im lặng!

Còn riêng về nhà báo, tôi nghĩ việc của họ là lắng nghe dư luận đa chiều và đưa tin một cách khách quan chứ không phải là định hướng dư luận.

Thực ra quyền được nói, được bày tỏ là quyền cơ bản của con người. Chúng ta ai cũng có giới hạn của mình và rất nhiều khi, để vượt qua giới hạn, chúng ta buộc phải tham gia tranh luận cho vỡ vạc ra. Tôi thấy việc tranh luận là việc nên làm, cần làm, nhưng phải làm với một thái độ đúng, tức là chỉ tập trung mổ xẻ đối tượng chứ không mang các hiềm khích cá nhân, các đá xéo vô nghĩa hoặc những nhập nhèm đánh lận con đen khiến cho vấn đề lẽ ra cần được làm sáng tỏ thì lại bị che khuất bởi những thứ tủn mủn không đáng kể hoặc thậm chí bị biến dạng méo mó đi.

Là một nhà nghiên cứu, chị thấy khi có một công trình nghiên cứu được đưa ra, dù là chưa được phê duyệt hay nhận được sự đồng tình, thì thái độ làm việc của các nhà nghiên cứu vẫn đáng được tôn trọng?

- Nghiên cứu vốn là công việc thầm lặng, rất khó để chia sẻ với đám đông hoặc những người không có cùng chuyên môn sâu. Tôi lấy ví dụ, dù cũng là ngành văn chương, những mỗi đồng nghiệp của tôi lại chuyên về một ngành chuyên sâu khác nhau, chuyên về một vấn đề chuyên sâu khác nhau nên tuy là cùng ngành nhưng chưa chắc người này đã hiểu hết việc của người kia. Cho nên, trong giới nghiên cứu, tâm thế chung của các nghiên cứu viên là hết sức tôn trọng đồng nghiệp, dù có thể chưa hiểu lắm nghiên cứu của họ.

Theo chị, một trí thức khi đứng trước một vấn đề mang tính học thuật và có nhiều ảnh hưởng đến xã hội, thì khi có lời góp ý, họ cần có những kiến thức gì và bày tỏ như thế nào để cho sự việc được tỏ rõ, giúp cho việc khai trí dân sinh?

- Như tôi đã nói, nghiên cứu là công việc thầm lặng, khó chia sẻ, cho nên, để có thể giải thích một vấn đề mang tính học thuật sao cho có đầu có đuôi, sao cho thấu đáo mà lại dễ hiểu là một thách thức không nhỏ đối với người làm nghiên cứu. Có lẽ những người làm công tác nghiên cứu phải tăng cường trau dồi năng lực đơn giản hoá, đại chúng hoá, thực tiễn hoá các nghiên cứu của mình để những tri thức của họ tới được với số đông chứ không chỉ quẩn quanh trong giới hay xếp xó trong thư viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu: Học cách 'uốn lưỡi bảy lần' khi bình phẩm trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO