Ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân

Nguyễn Chung - Đình Giang 22/04/2016 00:06

Ông Lê Văn Lợi- cán bộ chính sách xã Xuân Lộc, (huyện Thường Xuân, Thanh Hoá) đã nhiều năm liền “ăn chặn” số tiền lên tới hàng chục triệu đồng dành cho các đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội (BTXH) từ năm 2011, theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 136/2013/NĐ-CP) của Chính phủ. Trong khi dư luận bức xúc thì chính quyền lại tỏ ra thờ ơ.

Ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân

Bà Vi Thị Việt bức xúc khi số tiền BTXH bị ăn chặn trong nhiều năm.

5 năm ăn chặn của nhiều người

Men theo những triền núi mấp mô của xã miền núi Xuân Lộc, chúng tôi tìm tới gia đình bà Vi Thị Việt (76 tuổi, thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc). Bà Việt là một trong số những đối tượng bị cán bộ chính sách xã Xuân Lộc ăn chặn số tiền được hưởng theo Nghị định 136 của Chính phủ từ năm 2011 đến nay.

Trong căn nhà lụp xụp, xuống cấp, bà Việt cho biết: “Không rõ lương tâm của anh cán bộ chính sách để ở đâu mà nỡ ăn chặn số tiền ít ỏi hàng tháng của những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội!? Trong khi đó gia cảnh nhà cán bộ Lợi là khá giả nhất nhì trong làng, trong xã!?”. Cũng theo bà Việt, thì số tiền 180 nghìn đồng/tháng đối với cán bộ mà nói thì không nghĩa lý gì, nhưng với những người bệnh tật không có khả năng lao động, lại thuộc diện hộ nghèo như bà là hết sức thiết yếu!

Năm nay bà Việt 76 tuổi, đã nhiều năm bà không còn khả năng lao động, phần vì tuổi cao sức yếu phần vì bệnh tật. Thời điểm năm 2007, khi Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội ra đời (nay là Nghị định 136 Chính phủ), bà Việt đã nhiều lần làm hồ sơ (3 lần) gửi lên thôn, xã để được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước, nhưng chờ đợi mãi vẫn không có kết quả. Lần nào bà lên xã hỏi chủ tịch xã, cán bộ chính sách đều nhận được những câu trả lời “Không biết, bà không có trong danh sách”...

Xác nhận hộ gia đình bà Việt đã nhiều lần làm hồ sơ, thủ tục để được thụ hưởng BTXH, ông Vi Văn Tình - Trưởng thôn Pà Cầu tỏ ra khó hiểu khi bà Việt thuộc đối tượng hoàn toàn đủ điều kiện được thụ hưởng BTXH mà không được!?

Vừa qua, khi có đoàn thanh tra của huyện Thường Xuân về rà soát chế độ chính sách trên địa bàn thì ông Lê Văn Lợi mới hạ cố đến gia đình bà Việt nói lời xin lỗi, bào chữa cho sai lầm của mình là do sơ suất! Đồng thời hoàn trả lại số tiền hơn 12 triệu đồng cho gia đình, bàn giao sổ hưởng trợ cấp cho bà Việt.

Cầm trên tay quyển sổ hưởng BTXH, nhìn qua ai cũng nhận thấy quyển sổ này mới được làm, vết mực hãy còn mới. Điều lạ, nội dung cuốn sổ lại được ghi chép rất cụ thể, chi tiết tương ứng từng ngày, tháng bà Việt lĩnh tiền trợ cấp (từ ngày 1-4-2011) có chữ ký, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền?... Và khó hiểu hơn là bìa trong của cuốn sổ lĩnh tiền trợ cấp này lại có chữ ký của Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc - ông Cầm Bá Lưu ký ngày 15/3/2012? – điều này mâu thuẫn với việc bà Việt nhiều lần thắc mắc về quyền lợi của mình trước đó mà sự việc không được phát hiện?

Báo cáo 1, thực tế 10!?

Không chỉ riêng trường hợp bà Việt, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Xuân Lộc còn nhiều trường hợp khác là nạn nhân của vị cán bộ chính sách xã này, như trường hợp bà Lục Thị Quyền; kê khai khống danh sách như trường hợp bà Hoàng Thị Thay (SN 1933, có danh sách nhưng thôn Pà Cầu lại không có người này); có trường hợp chết từ lâu nhưng vẫn chưa báo tử để hưởng chế độ TCXH ; lại có trường hợp như Hà Thị Hiếm (SN 2000) có danh sách nhận tiền nhưng không được nhận…

Trao đổi với ông Cầm Bá Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, ông cho biết: “Sự việc ăn chặn tiền chính sách là có. Hiện xã, huyện đang tiến hành rà soát lại các đối tượng. Riêng trường hợp bà Lục Thị Quyền, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện xử lý”. Rõ ràng sự việc không chỉ dừng lại một trường hợp như vị Phó chủ tịch xã này trao đổi. Câu hỏi đặt ra, có hay không việc UBND xã Xuân Lộc “ỉm” thông tin, xử lý nội bộ “nhẹ tay” cho vị cán bộ chính sách như dư luận phản ánh!?

Để hiểu rõ hơn nội tình sự việc, chúng tôi tiếp tục tìm đến UBND huyện Thường Xuân. Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chánh văn phòng UBND huyện tỏ ra bất ngờ với con số điều tra của phóng viên. Ông Hoàn khẳng định: “UBND xã Xuân Lộc chưa có báo cáo chính thức nào gửi UBND huyện như lời ông Hiệp nói, chỉ mới có Biên bản làm việc do Phòng Lao động-thương binh&xã hội huyện về xác minh có 1 trường hợp, còn những trường hợp kia chưa thấy xã Xuân Lộc báo cáo”.

Ngoài trường hợp bà Vi Thị Việt chưa có báo cáo từ xã cũng như hình thức xử lý thì riêng đối với trường hợp bà Lục Thị Quyền (SN 1948, thôn Quẻ) ngày 6/4/2016 Phòng LĐTB&XH huyện Thường Xuân cùng với UBND xã Xuân Lộc đã tiến hành xác minh và khẳng định bà Lục Thị Quyền là đối tượng Người khuyết tật nặng được hưởng chế độ theo Nghị định 67 và Nghị định 13 đã có Quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng của UBND huyện Thường Xuân ký tháng 4/2011, đến tháng 3/2016 vẫn chưa được nhận trợ cấp. Như vậy, ông Lê Văn Lợi đã không chi trả tiền BTXH cho bà Lục Thị Quyền từ 04/2011 đến 03/2016 tổng số tiền là 17.010.000 đồng.

Phòng LĐTB&XH đề nghị UBND xã chỉ đạo ông Lợi nộp đủ số tiền trên vào ngân sách xã; UBND xã có trách nhiệm giải thích và chi trả toàn bộ số tiền trên cho bà Quyền; UBND xã chỉ đạo ông Lợi làm bản tường trình nguyên nhân, lý do không chi trả kinh phí BTXH cho bà Quyền, kiểm điểm trước UBND xã, UBND xã kiểm điểm và có hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với ông Lê Văn Lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO