Cải cách hoạt động tiếp dân

Lê Xuân Mậu (Ba Đình- Hà Nội) 20/09/2015 08:55

Những hạn chế, bất cập trong hoạt động của cán bộ các cấp đã và đang gây ra những bức xúc của nhiều công dân về quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Luật Khiếu nại, Tố cáo và Tiếp dân đã được ban hành sửa đổi ngày một hướng tới tinh thần đổi mới, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền dân. Tuy nhiên trong tổ chức thực hiện có nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm, nhất là ở lĩnh vực tiếp dân.

Ảnh minh họa (nguồn dantri.com.vn).

Về việc tổ chức tiếp dân, đã có qui định để dân đăng ký và bảo lưu danh sách nếu chưa tiếp hết số lượng trong kỳ tiếp đó. Đó là một tiến bộ, hợp lý. Nhưng việc lập các danh sách đăng ký ngay ở Hà Nội cũng còn lộn xộn. Hàng ngày cả chục người ghi tên vào một tờ giấy. Hết buổi tiếp, tờ giấy đó bị hủy. Những trường hợp người tồn đọng, hôm khác lại xếp hàng lại. Việc này còn gây ra nhiều phiền hà nếu khi đó là buổi lãnh đạo thành phố tiếp (một ngày trong tháng).

Mỗi kỳ ở nơi tiếp dân có khi có cả trăm người phải đi từ ngày hôm trước để đến 4h chiều, có người phụ nữ dân thường đứng ra ghi tên! (Không rõ có qui định nào như vậy?!) Hôm sau lại xếp hàng theo cái danh sách người phụ nữ kia điều hành để các cán bộ Ban Tiếp dân phát phiếu hẹn. Thường trong vòng hơn nửa tiếng, chỉ độ mấy chục người được nhận phiếu hẹn, mấy chục người khác tháng sau tiếp tục ghi tên lại từ đầu!

Nhiều người cả nửa năm phải tái diễn cảnh đó vì không muốn chen hay chen không nổi. Kỳ nào có hai vị tiếp may ra có vài chục người được tiếp, còn lại bảo lưu! Việc này cải cách đâu có khó, chỉ cần để dân có nhu cầu được tự do đăng ký (không hạn chế thời gian) và chờ đợi theo danh sách bảo lưu. Dĩ nhiên cơ quan tiếp có quyền gạch tên, từ chối đúng theo luật định và niêm yết danh sách từ chối công khai như hiện làm.

Ở khâu tiếp nhận hồ sơ thì có quá nhiều việc làm chưa đúng qui định của pháp luật! Người tiếp nhận lẽ ra chỉ làm việc nhận hồ sơ, nghĩa là chỉ đọc đơn, kiểm tra các giấy tờ cần có kèm theo. Nếu đọc đơn thấy không thuộc thẩm quyền cấp mình thì trả lại hồ sơ (tất nhiên phải có giấy từ chối để chịu trách nhiệm pháp lý). Nhưng có cán bộ lại ngồi đọc và hỏi như chính người đó đang thụ lý giải quyết! Trong khi Nghị định đã qui định rõ chức năng của họ chỉ là “hướng dẫn làm văn bản, vào sổ theo dõi và báo cáo cho thủ trưởng”.

Việc nắm nội dung, xác minh… rồi báo cáo để thủ trưởng giải quyết là việc khác, người cán bộ khi được giao phải làm lúc khác, không được làm lúc “tiếp nhận văn bản”. Họ làm thế vì như thế họ “ăn bớt” thời gian và đỡ mất công làm việc với nhiều hồ sơ hơn. Kết quả là thường việc tiếp mỗi người phải từ 15 phút, nhiều người cả nửa tiếng hoặc hơn... Vì vậy mỗi buổi vài giờ chỉ tiếp thường khoảng chục người!

Trong lúc rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà làm phiền dân và cản trở xã hội đang được rà soát loại bỏ, việc tiếp công dân theo luật cũng phải cải cách các thủ tục phiền hà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách hoạt động tiếp dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO